— Nó đi học nữa thì đã hại gì đến cậu?
Cửu Thưởng đỏ mặt tía tai:
— Chị nói sao lạ thế? Con gái đã lớn, đi đường xa, ở một mình, rủi có việc gì, nếu chẳng phải tôi chịu trách-nhiệm thì còn ai?
— Cậu khéo lo vô-lối. Học ở trong trường, có bà đốc, có các cô giáo. có kiểm-khán nữa, người ta dạy-dỗ nghiêm-trang còn bằng mấy ở nhà mình.
— Nhưng mà con gái, đi học để làm gì mới được chứ?
— Nói hay chưa? chỉ một mình cậu biết chạy hàn-lâm, không được, cũng cửu-phẩm; còn người ta là rác đó!
Phán Thục gái hình như có chất-chứa sự bất-bình từ lâu, cho nên hôm nay nói khí nặng lời, làm cửu Thưởng thấy mình ê-trệ trước mặt anh rể mình quá. Số là ngày trước ông bá Giám có quyên ra năm ngàn đồng bạc làm hai cái trường học cho làng và tổng. Giữa lúc đó ông cũng vừa nhận Thưởng làm con kế-tự cho vợ chồng ông. Nhân thể, ông xin quan trên chiếu lệ tư cho Thưởng được hàm Hàn-lâm-viện Đãi-chiếu để mở mày mở mặt với đời. Không ngờ, tỉnh tư ra bộ, bộ tư về, bảo phải sát-hạch người được thưởng: nếu người ấy không có chút đỉnh văn-học thì không được dự « viện-hàm ». Quan tỉnh theo lời bộ, xét ra Trần công Thưởng vốn không