Trang:Quan niem ve cuoc nhan sinh.pdf/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

hóa. Cho nên cái tôn-chỉ của Nho-giáo là phải hành-động tạo-tác, nhưng hành-động tạo-tác thế nào mà điều-hòa được với sự biến-hóa ở trong vũ-trụ, thì ta được yên vui. Vậy việc cốt-yếu của Nho-giáo là việc điều-hòa ở trong cuộc biến-hóa, tức là cái thuyết trung-dung, giữ cho hết thảy mọi việc đều có chừng mực, không thái quá, không bất cập. Trung-dung thì điều-hòa, thì yên vui. Còn việc biến-hóa của vũ-trụ là việc tất-nhiên, ta không thể vượt qua được và cũng không thể biết rõ được.

Theo cái học-thuyết của Nho-giáo, là cái học-thuyết xử-thế, cho việc đời là việc người ta phải để ý đến mà tìm cách hành-động cho hợp với cái lẽ điều-hòa ở trong thế-gian. Bởi cái chủ-nghĩa ấy, cho nên mới đặt ra trật-tự tôn-ti, mới định ra cương-thường luân-lý để khiến người ta biết đường biết nẻo mà xử thế tiết vật, ai yên phận người ấy, để không có sự rối loạn, tàn khốc. Ấy là chủ-ý của Nho-giáo, tuy đối với thực-tế thì không hoàn-toàn được như thế, nhưng cái học ấy có cái ảnh-hưởng rất to ở trong những xã-hội đã theo Nho-giáo.

Cái học ấy về đường trì-thủ, thì có nhiều điều rất mỹ-mãn, nhưng về đường tiến-thủ thì có chỗ khuyết-điểm, là vì người ta cho cuộc nhân-sinh là chỉ vụ lấy sự theo tạo-hóa mà điều-hòa, trừ khi có việc thật bất-đắc-dĩ ra, thì không bao giờ nghĩ đến việc để-kháng tạo-hóa. Thành thử việc tiến-thủ của cái văn-hóa Nho-giáo rất chậm. Ta lại nên biết rằng cái học-thuyết của Nho-giáo chỉ chủ-trương việc xử-thế mà thôi, cho nên ít có những cái tư-tưởng siêu-việt cao-xa. Vậy nên cái văn-hóa Nho-giáo có chỗ sở-trường là gây thành một cuộc nhân-sinh êm-đềm có nhiều sinh-thú, khiến cho đời người tuy không có cái vẻ rực-rỡ, nhưng không đến nỗi chật-vật vất-vả lắm, không có những điều chiến-đấu kịch-liệt làm rung động cả thế-gian. Nếu cuộc nhân-sinh của thiên-hạ mà theo cái chủ-nghĩa hòa-bình,

8