Trang:Quan niem ve cuoc nhan sinh.pdf/12

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

gian, thì ta phải xử-trí thế nào cho đỡ cái khổ và để dần dần ta ra khỏi cái khổ. Bởi vậy mới có những phương-pháp dạy ta ăn-ở với đời, để thành một cuộc nhân-sinh hợp với đạo lý. Về phương-diện này, thì Phật-giáo và Nho-giáo có nhiều chỗ tương hợp với nhau. Bởi vì đối với việc xử-thế, Phật-giáo cũng lấy trung đạo, nghĩa là cũng lấy luân-thường đạo-lý làm căn-bản của sự nhân-sinh. Song những phương-pháp ấy chỉ là một cái cách ứng-dụng tạm thời mà thôi, chưa phải là cái mục-đích chân-chính của Phật-giáo. Vì người ta cần phải có cái cách ứng-dụng ấy để khiến cái tinh-thần lên cao một bậc nữa là lên tới chỗ xuất thế-gian.

Xuất thế-gian là ra ngoài sự biến-hóa của vũ-trụ, đó mới thật là cái chủ-đích của Phật-giáo. Ở trong thế-gian là có nghiệp, có duyên, có sinh, có tử, tức là có biến-hóa vô-thường; ngoài thế-gian là hết nghiệp, hết duyên, không sinh, không tử, tức là đến chỗ tịch-tĩnh bất sinh bất diệt. Phép tu-hành để được giải-thoát thì rất nhiều, nhưng nói rút lại chỉ có ba điều cốt yếu là giới, định, và tuệ. Giới là răn mình không làm điều ác điều bậy, khuyên mình làm điều thiện điều hay; định là không để tâm-thần tán loạn; tuệ là sáng suốt, hiểu thấu hết thảy mọi lẽ. Tu đến cực-điểm ba điều ấy là bậc Bồ-tát, thì giải-thoát ra ngoài biến-hóa, ấy là được tịch-tĩnh bất sinh bất-diệt.

Vậy thì cái gì là cái phải biến-hóa ở trong thế-gian mà đến khi ra ngoài thế gian lại là tịch-tĩnh bất sinh bất diệt? Theo như cái học-thuyết của phái Đại-thặng thì cái ấy ta biết là có mà không thể lấy danh từ mà hình-dung cho đúng được, ta chỉ gọi nó là bản-thểchân-tâm, là chân-ngã, là chân-như, để biểu-hiệu cái có chân-thực tuyệt-đối ấy, cùng một thể với Phật. Cái chân-thực ấy mắc vào biến-hóa là vạn pháp, là chúng-sinh; thoát ra ngoài biến-hóa là Phật.

10