khi cờ nghĩa mới nổi, chính lúc thế giặc vẫn hăng. Lương chứa Linh-sơn, 3 mấy tuần đã cạn; quân tan Khôi-huyện 4, một đứa chẳng còn. Tụ tập mấy lũ lưu dân, vác cần-câu mà đánh giặc; gắn bó một lòng phụ tử, rót rượu ngọt để khao quân.
Thành ra: vì đại nghĩa mà thắng được hung tàn, lấy chí nhân mà thay cho cường bạo; kẻ kia bó tay mà ngồi chịu chết, quân ta không đánh mà giặc phải tan. Bọn tướng giặc đã bị bắt rồi, van lạy xin thương làm phúc; bụng hiếu-sinh ta cũng mở rộng, thần vũ chẳng giết làm gì. Kìa tham-tướng Phương-Chính, kìa nội-quan Mã-Kỳ 5, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, lúc qua sông mà hãy còn mất vía; nọ tổng-binh Vương-Thông, nọ tham-chính Mã-Anh 6, cấp cho mấy nghìn con ngựa, khi về nước mà vẫn còn giật mình. Họ đã sợ chết tham sống mà xin cùng ta giảng hòa; ta lấy toàn quân là hơn mà muốn cùng dân yên nghỉ.
Cho hay:
Ba quân đã đến ngày đại-định, kỷ-niệm công vô-địch về sau;
Bốn bể gây nên cuộc thái-bình, bá-cáo lời duy-tân từ đó!
(Theo bản lược-dịch của ông Trần-trọng-Kim trong sách Việt-nam sử-lược).
CHÚ THÍCH. — 1. Điếu phạt 弔 伐: thương dân đánh giặc. — 2. Dịch chữ thường đởm ngọa tân 甞 膽 臥 薪. Điển cũ: vua Câu-Tiễn nước Việt, trong khi mưu báo thù nước Ngô, thường nuốt mật đắng, nằm trên đống củi gai để không quên sự lo nghĩ. — 3. Tức là núi Chí-linh, nay thuộc phủ Chấn-định tỉnh Nghệ-an; vua Lê thường đóng quân ở đấy. — 4. Tên đồn, thuộc tỉnh Nghệ-an, là chỗ vua Lê bị quân Minh đánh một trận thua to. — 5. 6. Tên các tướng tá nhà Minh sai sang đánh nước ta.
- ▲ Xem tiểu-truyện tác-giả ở tr. 60.