Bước tới nội dung

Trang:Quoc van trich diem 1930.pdf/197

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
177
NGUYÊN-BÁ-HỌC

NGUYỄN-BÁ-HỌC 阮 伯 學 (1857-1921)

Tiên-sinh người làng Nhân-mục tỉnh Hà-đông, vốn nhà nghiệp nho, từng đi thi hai khoa không đỗ (đậu), sau nhân lúc Chính-phủ Bảo-hộ cưỡng bách học-trò phải học chữ Pháp và chữ quốc-ngữ, tiên-sinh đi học ra thi trúng tuyển, bổ giáo-học tỉnh Sơn-tây, sau bổ về trường Nam-định, ở đấy đến hơn 20 năm. Tiên-sinh tính điềm-đạm trầm-mặc, ham suy-xét nghĩ-ngợi, thật là một nhà giáo-dục rất mực mô-phạm, một tay tiên-sinh đào-tạo ra không biết bao nhiêu là học-trò. Tiên-sinh tinh thông Hán-học mà Pháp-văn tự khảo-cứu lấy cũng rất là uyên-bác. Lúc về hưu-trí, tiên-sinh lại chăm việc trước-thuật: sở trường nhất về lối văn đoản-thiên tiểu-thuyết, khéo đem tình-trạng trong xã-hội, phong thói của người đời mà mô-tả ra thành câu chuyện hay. Mà bất luận bài văn nào của tiên-sinh cũng có ngụ ý khuyên người và răn đời cả, dù lời văn bình-đạm ít vẻ hoa mỹ, nhưng ý-tứ thâm-trầm, giọng điệu cổ-kính, khiến người đọc lên phải cảm-động kích-thích, thật là lối văn rất bổ-ích cho đời vậy.

115 — TỰ TRỌNG

Người có ý-khí tài-lực hơn người, không nương tựa ai, không luồn lụy ai, tự mình mình đi, tự mình mình lại, tự mình quí mình, ai yêu cũng mừng, ai ghét không giận, gọi là người tự-trọng (自 重). Còn tài chẳng hơn ai, đức chẳng hơn ai, con mắt sáng bằng hạt đậu, trí khôn nông như đọi đèn, cũng bắc bực làm cao, khinh thế ngạo vật, không gọi là tự-trọng.

Những kẻ thiếu-niên, sinh đời tranh-cạnh, không có chí tiến-tu, không có lòng ganh-gổ, hay nói chuyện yếm-thế, hay có tính khinh người, thì gọi là tự-khí (自 棄). Kẻ không kính trọng phép luật hay chống cự người trên, gọi là loạn-đảng (亂 黨). Kẻ không an-thường thủ-phận, hay phản-đối nhà-nước, gọi là nghịch-đảng (逆 黨). Kẻ hay tự-đắc, hay khoe mình, gọi là người kiêu-căng (驕 矜). Kẻ hay ích-kỷ, gọi là tự-tư (自 私). Kẻ không hợp quần, gọi là cô-độc (孤 獨). Những kẻ ấy dù có tài tốt thế nào, chẳng có tội với phép luật, cũng có tội với đạo-đức, không gọi là tự-trọng.