Bước tới nội dung

Trang:Quoc van trich diem 1930.pdf/24

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
4
THƠ

Làm thơ sai điệu bằng trắc gọi là thất-luật (sai luật) — Câu tiếp theo đáng đặt bằng bằng mà đặt trắc trắc, hoặc đáng đặt trắc trắc mà đặt bằng bằng gọi là thất-niêm (điệu không dính nhau) đều là hỏng cả.

Đối. — Cái đặc-sắc của thơ ta và thơ Tàu là phép đối. Thơ các nước Âu-châu (Pháp, Anh, Nga, Đức, v. v.) không có phép ấy.

a) Thế nào là đối? — Đối vừa phải đối ý vừa phải đối chữ.

Đối ý là chọn hai ý tưởng sóng nhau mà đặt ngang nhau. Như trong bài « Qua đèo Ngang tức cảnh » của Bà huyện Thanh-Quan, (tr. 16) muốn tả cảnh núi non thì lấy hai ý này đối với nhau: 1• mấy người kiếm củi lom khom ở dưới núi; 2• vài nóc nhà lác đác ở bên sông.

Ý đã đối, lại phải tìm chữ sóng nhau mà đối Trong một câu, ta thường chia ra làm chữ nặng chữ nhẹ: như trời cao, đất thấp, thì chữ trời chữ đất là nặng mà chữ cao chữ thấp là nhẹ; cao lắm, thấp vừa, thì hai chữ cao, thấp lại là nặng mà hai chữ lắm, vừa lại là nhẹ. Đối tức là lấy chữ nặng đặt sóng với chữ nặng, chữ nhẹ đặt sóng với chữ nhẹ. Song cách phân-biệt ấy không được rõ-ràng lắm. Nay nếu theo văn-phạm Âu-Tây mà phân các tiếng ra thành từng loại-mục (espèce de mots) thời đối chữ tức là chọn hai tiếng cùng một loại-mục mà đặt ngang nhau, như hai chữ danh-từ (noms), hình-dung từ (adjectifs), động-từ (verbes), v. v.: tỉ dụ sông đối với núi, lác-đác với lom-khom, luyến chúa với thương nhà, v. v. Nếu có đặt chữ nho thì phải chữ nho đối với chữ nho: như hồn thu-thảo đối với bóng tịch-dương.

b) Trong bài thơ những câu nào phải đối? — Trong bài thơ bát-cú, trừ hai câu đầu, hai câu cuối, còn bốn câu giữa cứ hai câu đối nhau: 3 với 4, 5 với 6. — Lối thơ tràng-thiên cũng cứ theo thế mà đặt dài ra. — Còn thơ tứ-tuyệt thì hoặc hai câu đầu đối nhau, hoặc hai câu cuối đối nhau, hoặc cả 4 câu đối nhau, hoặc cả 4 câu không đối cũng được; song cả bốn câu không đối thì phải đặt cho xuốt một hơi mới được.

§ 2. — Các lối thơ

Các lối chính thức. — a) Như trên đã nói, theo số chữ thì có hai lối thơ: 1• ngũ-ngôn (5 chữ); 2• thất-ngôn (7 chữ).

b) Theo số câu thì có ba lối thơ: 1• tứ-tuyệt (4 câu); 2• bát-cú (8 câu); 3• tràng-thiên (dài hơn khổ thường)