Trang:Quoc van trich diem 1930.pdf/243

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
223
PHẠM-DUY-TỐN

Ngoài kia tuy mưa gió ầm-ầm, dân phu rối-rít; nhưng trong này xem chừng tĩnh-mịch nghiêm-trang lắm, trừ quan phụ-mẫu ra mọi người không ai dám to tiếng. So với cái cảnh trăm họ đang vất-vả lấm-láp, gội gió tắm mưa, như đoàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn-nhã, đường-bệ, nguy-nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới; người nhà, lính lệ khoanh tay sắp hàng, nghi-vệ tôn-nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ-mẫu gọi: « Điếu, mày! » tiếng tên lính thưa: « Dạ »; » tiếng thầy Đề hỏi: « Bẩm, bốc? » tiếng quan lớn truyền: « Ừ. » Kẻ này: « Bát-xách... Ăn, » người kia: « Thất-văn... Phỗng, » lúc mau lúc khoan, ung-dung êm-ái, khi cười, khi nói, vui-vẻ dịu-dàng. Thật là tôn-kính, xứng đáng với một vì phúc-tinh...

Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọc, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang trời dậy đất. Mọi người đều giật nẩy mình, duy quan vẫn điềm-nhiên, chỉ lăm-le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.

Có người khẽ nói:

— Bẩm, đê có khi vỡ!

Ngài cau mặt gắt rằng:

— Mặc kệ!

Rồi ngài xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình, bảo thầy đề-lại:

— Có ăn không thì bốc chứ!

Thầy đề vội vàng:

— Dạ, bẩm bốc.

Vừa lúc đó, thì tiếng người kêu rầm-rĩ, càng nghe càng lớn. Lại có tiếng ào-ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.