Trang:Quoc van trich diem 1930.pdf/36

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Có vấn đề khi hiệu đính trang này.
16
THƠ

4. Hai câu luận ngài nói ý gì? Cách tả tình trong hai câu thơ ấy có khéo không?

5. Ý câu kết có tự-nhiên không?

II. Lời văn. — 1. Chim oanh cây liễu có cái gì đặc-sắc nhất? Nói công-dụng hai chữ ấy trong văn ta và văn Tầu. — Nghĩa chữ dứt, chữ bận trong bài này? Hai chữ ấy có ăn với chữ mối tình ở trên không?

2. Nhặt (lặt) mấy câu hoặc mấy chữ trong bài này mà chứng giải rằng bài thơ này có giọng thống-thiết.

BÀ HUYỆN THANH-QUAN

Tính danh phu-nhân là gì không rõ. Là con ông nho Dương, người làng Nghi-tàm, huyện Hoàn-long (thuộc tỉnh Hà-đông bây giờ); lấy ông Lưu-Nghi, người làng Nguyệt-áng, huyện Thanh-trì (cũng tỉnh ấy), đậu cử-nhân khoa tân-tỵ (1821) đời Minh-Mệnh, làm tri-huyện huyện Thanh-Quan tức là phủ Thái-ninh (Thái-bình) bây giờ, nên thường gọi là Bà Huyện Thanh-Quan. Sau phu-nhân vào làm « Cung trung giáo tập », vua Tự-Đức có ban thơ chữ và thơ nôm, phu-nhân đều họa được, vua quí trọng lắm. Còn truyền lại nhiều bài thơ nôm của phu-nhân rất hay.

15. — QUA ĐÈO-NGANG

Bước tới Đèo Ngang bóng đã (xế) tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc-quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia-gia.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

GIẢNG NGHĨA. — Đèo Ngang thuộc về dặng núi Hoành-sơn tức là một nhánh núi của dẫy Trường-sơn trong Trung-kỳ chạy thẳng ra bể làm giới hạn cho hai tỉnh Hà-tĩnh và Quảng-bình. Núi ấy chắn ngang đường Thiên-lý tự ngoài Bắc vào trong Nam. Xưa kia khách bộ-hành đi đến đấy tất phải trèo qua đèo ấy.