Trang:Quoc van trich diem 1930.pdf/97

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
77
NGUYỄN-DU

cách kết-cấu, cách thuật các tình-tiết, tả các người chủ-động trong truyện đều thay đổi châm-chước cho hợp với tâm-lý người Nam và phong-tục nước Nam.

Coi thân-thế ông cũng là một người có tài-đức mà không gặp thời, nên ông mượn truyện một người con gái có tài sắc có tiết-hạnh mà gặp nhiều cảnh gian-truân để bộc-bạch cái tâm-sự của ông; trong truyện ông lại khéo mô-tả thế-thái nhân-tình rạch-ròi chí lý, lời lời thấm-thiết, giọng điệu âm-thầm, đọc lên não-nùng ai-oán.

Lời văn thì thật là điêu-luyện: từ đầu chí cuối không câu nào non, không chữ nào ngượng mà đủ cả các lối văn: tả cảnh, tả tình, vẽ người, kể việc, lối nào cũng hay cả; thật là một áng văn tuyệt-bút trong nền quốc-âm ta, kể cả các truyện nôm của ta, không quyển nào được hoàn-toàn như quyển ấy.

Bởi vậy nên truyện Kiều phổ-thông nhất trong nước ta, trên từ các bậc văn-nhân, người khuê-các, dưới đến các hạng bình-dân, kẻ phụ-nhụ ai cũng ham đọc truyện này, ai cũng thuộc được ít nhiều câu trong truyện, rồi nhân đấy mà sinh ra bói Kiều, vịnh Kiều, làm bài tập Kiều, làm bài án Kiều: thật là một quyển sách rất có ảnh-hưởng về đường văn-học, đường phong-tục ở nước nhà.

TÀI SẮC HAI CHỊ EM THÚY-KIỀU

Đầu lòng hai ả tố-nga,
Thúy-Kiều là chị, em là Thúy-Vân.
Mai cốt-cách, tuyết tinh-thần;
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang-trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy-đặn, nét ngài nở-nang.
Hoa cười, ngọc thốt đoan-trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc-sảo mặn-mà;
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu-thủy, nét xuân-sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành;
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.