Trang:Tan Da tung van.pdf/48

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 46 —

Vân. — Dẫu nhận là như thế, nhưng đây chỉ vẽ một rẫy núi, còn không thấy sông nước gì cả, lấy gì làm hai cái thề với nhau?

Khách. — Đây dẫu không có vẽ sông nước, nhưng nhận kỹ một ngàn dâu ở chân núi này, ý tức là sông nước khi xưa mà tang-thương đã biến-đổi.

Vân. — Dẫu nhận cho là như thế, nhưng lấy gì làm thề?

Khách. — Nguyên bức họa này, ý chỉ là một bức tang-thương, cho nên ở dưới vẽ một ngàn dâu tựa như thế khúc sông; trên núi thời như mây, như tuyết, như mấy cây mai già, như bóng tà-dương, đều là để tả cái tình-cảnh thê-cảm. Bởi thế cho nên ba chữ đề này, dẫu là lấy câu sẵn mà đề vào, song thực tỏ ra được cái tình thương nhớ của rẫy núi, tức là vì rẫy núi mà cảm nỗi tang-thương. Bây giờ tất cứ trong bức họa mà muốn tìm cho ra thế nào là thề, như thế thời nệ vì chữ đề mà hại đến nguyên-ý của bức họa.

Vân. — Vậy thế bây giờ muốn đề một bài thời thế nào là phải?

Khách. — Bây giờ nếu muốn đề một bài, nên phải trông vào bức họa mà lại lấy ba chữ đó làm đầu đề. Chú-trọng vào một chữ non, lấy chữ non làm chủ, vì rằng non đó thực là chủ-trương trong bức họa mà lại có ở trong đề; còn như chữ thề với chữ nước thời trong họa không có mà trong đề có, cũng phải nhận như có mà chỉ nên nói nhẹ như không, vì là thề thời về sự đã qua mà nước thời không trông thấy ở đó. Nghĩ như thế, hoặc có phải chăng?