như ở trên Mường ta hay không? mà ở Thanh-Hà sinh ra cái quái-kịch đến như thế! Chàng Ấn độ đã chiếm-lĩnh được cơ-nghiệp ở Thanh-Hà ấy, rồi mới đuổi bỏ cô hai Đào. Than ôi! « duyên đâu ai dứt tơ đào! nợ đâu ai bỗng dắt vào tận tay! » Đến lúc ấy, cô ngồi nghĩ lại như khi đi tiễn ai ở Sáu-Kho, lại giở cái mùi-xoa ra mà chùi lau nước mắt, giọt nước mắt lúc này mới thật là chan-chứa tình thương-nhớ, hơn như mặt nước sông Hải-Phòng. Thôi, sự đã dĩ-nhiên rồi, trong tay cô đã không còn có một mảnh văn-tự nào nữa rồi, ôi thôi, cô hai Đào, ai cho cô còn được ngồi lâu ở trong cái nhà, ở trong cái trại đó mà ngậm-ngùi!
Ngậm-ngùi gạt lệ bước ra,
Chém cha mối lái! chém cha tơ-hồng!
Bảo rằng duyên thắm vợ chồng,
Bây giờ mới biết tượng đồng bạc đen!
Nhân lúc buồn, lại xấu hổ cô không tiện ở làng, mới sang chơi hạ huyện Vĩnh-Bảo tìm thăm một người chị em bạn cũ là cô Cúc hát ở đó.