Trang:The luc khach tru va van de di dan vao Nam ky.pdf/129

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 129 —

thì đã biết chuộng nội hoá, nghĩa là đã ưa dùng đồ Bắc. Thật thế, trước kia anh em ở trong Nam-kỳ ta, có thèm ngó tới the lượt của Bắc-kỳ đâu, thế mà đến nay, cửa hàng tơ lụa tầm thường nhất ở ngoài ta, mỗi năm bán vào Nam-kỳ cũng được 3, 4 vạn bạc, lại ta thử đi xem các nhà chế-tạo, hỏi họ làm ra bán cho ai, thì trong mười nhà đến chín nói rằng: « bán vào Nam-kỳ », xem thế đủ hiểu đồ Bắc tiêu-thụ vào trong Nam mạnh là thế nào, không kể gì đến những thứ đồ đắt tiền như đồ khảm, đồ gụ v...v... ngoài này thường bán cho Tây và một số rất ít người mình mới dùng, nhưng đem vào bán cho anh em trong Nam, đều chạy tất cả, vì cái đức « sài tiền » của anh em trong Nam đã có tiếng, quý mấy đã thích cũng dám mua; lại đến những thứ lặt vặt như giép Nhật-Bản, guốc Saigon, cái rổ, cái rá v...v... chở vào Nam-kỳ, có lẽ không chuyến tầu nào không hàng trăm kiện hàng như thế, chỉ tiếc rằng không có sổ thống-kế nào, nên không biết mỗi năm đồ Bắc chở vào bán trong Nam được bao nhiêu tiền, nhưng xem đại-khái cái hiện-tình, cũng đủ biết là phát đạt lắm vậy.

Ta nên chú ý rằng: đồ công-nghệ Bắc mà vào Nam được chừng nào, là đồ công-nghệ Tầu và một vài phần của Âu-châu đều có chịu ảnh-hưởng sâu-xa chừng ấy. Cứ xét mà xem: trước kia những hạng bình-dân trong Nam, hay mặc thứ vải mùi xám của Hoa-Kiều dệt ngay ở đó, mà bây giờ thông dụng vải ta và ít nhiều hàng tơ lụa Bắc; trước kia những thứ ghế mây, gọi là ghế tô-nê (chaise Thonet) thì trong Nam vẫn dùng thứ ghế ở Tây đem sang, mà ngày nay đã thông dụng ghế ấy của Bắc làm ra; trước kia đôi guốc cũng mua của Tầu, bây giờ đã thông dụng guốc Bắc; trước kia chỉ dùng giầy cườm, bây giờ đã ưa dùng giầy hạ (tức gọi là giầy ta) rồi, nhân thế mà sự dùng đồ ngoại-hoá, trong 10 phần, cũng đã giảm đi được một vài phần, biết đâu lâu dần không bớt được nữa. Đồ Bắc vào khiến cho đồ chế tạo của các cửa hàng ngoại-quốc càng thiệt-thòi, tuy bề ngoài chẳng có gì là xung đột nhau, nhưng nghĩ cho kỹ thì chưa chắc bề trong đã không có ý cạnh-tranh ngầm ngấm. Tác-giả khi còn ở