Trang:The luc khach tru va van de di dan vao Nam ky.pdf/131

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 131 —

không lấy gì làm đắt, nhưng là không đắt cho những thứ hàng to tát và có giá-trị mà thôi, chứ những hàng lặt vặt thì cũng kể là nặng; phương chi những hàng như đồ khảm, đồ gụ, hình thù to, nếu tháo ra được còn khá. thường có đồ nếu tháo ra là hỏng, mà phải đóng nguyên như thế gửi đi, thì công cước chuyên chở rất là nặng nhọc và tốn kém lắm. Lại những sự bảo-hiểm không được phân-minh, cho nên kiện hàng khi mang lên vận xuống, bị ẩm ướt mất mát, người có đồ thường phải chịu thiệt nữa. Đại-khái sự vận-tải khó khăn, chậm chạp, tốn kém như vậy thành ra đồ Bắc chở vào được đến trong Nam, cái giá phải gấp hơn chỗ gốc đến mấy từng: có thứ gấp rưỡi, có thứ gấp đôi gấp ba, không có chừng đỗi nào cả, nhân thế mà đồ Bắc cũng có tiếng là đắt. Vậy tưởng công-nghệ Bắc nên đem ngay vào trong Nam mà chế-tạo là hơn.

Vả chăng, công-nghệ cần thứ nhất là phải có nguyên-liệu, mà những nguyên-liệu ngoài Bắc dùng để chế-tạo các thứ đồ đem vào bán trong Nam ấy, thì trong Nam có đủ cả, nói hẳn ngay là không thiếu thứ gì cũng được, bấy lâu chỉ để dư, hoặc vào tay người ngoại-quốc dùng mất; nay nếu đem công-nghệ Bắc vào ngay trong Nam mà làm mà bán, thì một cái vấn-đề nguyên-liệu, quyết nhiên không lo thiếu: dệt thì có sẵn tơ ở Châu-đốc, Tân-châu, cói ở Rạch-giá, làm đồ gỗ thì trong Nam rất sản gụ và nhiều thứ gỗ quý, không thì dùng gỗ ở ngay Cao-Miên đó cũng gần; khảm thì rất sẵn ốc và đồi mồi ở Hà-Tiên và Phú-quốc, v.. v... thế nghĩa là không lo đến sự phải đem nguyên-liệu ở ngoài này vào mới làm được, mà chỉ lo đem thợ vào.

Cái vấn-đề « đem thợ vào » này rất là khó, cho nên các nhà công nghệ ta thí nghiệm mãi không thấy có thành công gì lớn cả. Mấy năm trước, tác-giả còn ở Nam-kỳ, thấy trừ bọn thợ giày thợ mũ là thợ ngoài này đem vào cả, thì tuyệt nhiên không thấy một xưởng công-nghệ của người Bắc nào cho xứng được cái tên, duy gần đây mới có nhà Tiến-Đức ở Haiphong đem thợ vào mở xưởng đóng đồ gụ, và nhà Chân-Thụy đem thợ vào