Là ta chống lại họ bằng một cách ngầm, vừa dịu dàng, vừa êm ái, (cần nhất là chớ có bạo-động) thế mà họ phải nguy, nghĩa là ta cũng lập ra nhiều hiệu buôn bán, mở ra nhiều xưởng công-nghệ, chuyên tâm về đường chế-tạo cho khéo gây dựng lấy một đảng nhân-công cho to, trên đường cạnh-tranh, ta ra ứng phó về mặt nào cũng có sức, bấy giờ dù cho họ có tài giỏi đến đâu, hay là nhờ có quyền bảo-hộ nào rất thiêng-liêng, ta quét họ lần lần cũng phải hết. Lý-luận thì như thế, nhưng đến thực-hành thì phải làm thế nào? Xứ Nam-kỳ ta thiên-thời có, nguyên-liệu không thiếu gì, tư-bản không thiếu gì, nói tóm lại, nội thứ gì gọi là những tài-liệu để xây đắp lên nền kinh-tế, thì có đủ hết cả, duy chỉ có thiếu « người » mà thôi. Thiếu người để khẩn những đất hoang, thiếu người đem nguyên-liệu của mình ra mà lợi-dụng, thiếu người ra buôn bán ganh đua, lại thiếu cả những người làm tiện-công tiện nghệ nữa, nhân thế mà Hoa-kiều khai thác được ta, thì bây giờ ta cũng nên nhân thế mà bổ-khuyết vào, là ngoài Trung Bắc này thừa người, thì nên vào mà gánh vác lấy những việc ấy. Cho nên nói rằng: « di dân vào Nam-kỳ, » là cốt làm cho bớt cái thế-lực Hoa-kiều đi, mà tức là một cách tiêu-cực để-kháng vậy.
Phương chi ngoài Bắc này còn vì cái thế bắt buộc phải di dân nữa.