Nam-kỳ thiếu nhân-công thật, còn non hai triệu mẫu đất hoang bỏ chưa khai khẩn, bao nhiêu nguyên liệu vật-sản, bỏ chưa đem dùng, đến ngay tiện nghệ khổ công, cũng không có người làm, nhất thiết công-nghệ buôn bán gì, đều vào tay Hoa-kiều hết, cũng chỉ vì không có người làm, bởi vậy, bây giờ nói việc mở mang xứ Nam-kỳ, tức là cách phá cái thế-lực Hoa-kiều, mưu cuộc phú-cường nay mai, thì nhân-công chính là một tài-liệu mà xứ Nam-kỳ đang phải cần đến lắm.
Nhân-công ấy lấy ở đâu ra được? Người Trung, Bắc-kỳ cất tiếng lên mà đáp rằng: « Tôi đây! »
Thật ra, cái hiện-tình sinh hoạt của dân hai xứ ngoài này đã thấy chen chúc, khổ sở lắm: rừng núi tứ tung, địa thế chật hẹp, nhân-số ngày một đông thêm, mà mọi nghề nghiệp chưa được rộng rãi, dân không đủ làm; ruộng đất hầu đã vỡ hết, nhưng nghề canh nông thật gian nan, mùa thường bị mất; nói tóm lại mọi công việc làm ăn, tuy đã mở mang ra nhiều, nhưng so sánh với số dân, không được tương đương, cho nên bọn dân lam lũ khốn cùng, không nghề không nghiệp, hãy còn nhiều lắm. Lại thêm một nỗi, thường bị nhiều cái tai vạ bất kỳ, thí dụ như mưa tràn nước lụt, thì dân tình càng thấy khổ già: ruộng vườn ngập hết, nhà cửa trôi băng, ở không có nơi, ăn không có miếng, bấy giờ cha con vợ chồng giắt díu nhau đi bơ vơ kiếm ăn, trông tình cảnh rất là ái ngại, dù có hưng-công, dù có phát chẩn, đều là cách tạm thời, chẳng có hiệu quả gì chắc chắn cả. Xét lại thì hai xứ này, đường sinh-hoạt hẹp mà số sản-dục ngày tăng, e rồi có cái vạ nhân-mãn, chẳng đáng lo cho cuộc tiến-hóa lắm ư? Ta phải đi bớt đi mới được.
Có người nói sao người Bắc-kỳ không lên mạn ngược mà khẩn hoang, người Trung-kỳ không vào miền Mọi mà doanh-nghiệp, nhưng không biết đâu sự-lý đã đành, mà tình thế lại khác, mạn ngược thì khí hậu không lành, nên đối với việc làm ăn hơi khó, miền Mọi tuy nguồn lợi vốn sẵn, nhưng luật cấm không cho vào; vả chăng hai chỗ ấy cũng chẳng lợi-dụng được hết nhân-công