chú ý đến, hoặc như có làm, cũng chẳng thấy thành công, ấy chính là thất-sách ở chỗ không nghĩ gì đến nhà của người dân đi cả. Nay không cứ là nhà điền-chủ, nghiệp-chủ, công-nghệ v.. v... muốn mộ người ngoài này vào làm việc cho mình, tưởng không quên sự « di cả gia-đình » đi, là việc cốt yếu, tuy có khó nhọc phiền-phức đôi chút, nhưng thật có quan hệ đến sự lợi hại của công-việc mình.
⁂
Người ta lại còn trách nhân-công mình tầm-thường và biếng nhác, có mặt người trông coi, thì mới cậm cụi làm, xểnh ra là ngồi khề khà hút thuốc và nói truyện nhảm với nhau ngay; việc đáng làm một công, lại kéo dài ra đến 5, 7 công v.. v... Có thật thế không? Không, đến nỗi đâu mà mang lấy lời trách ấy được, có phải chăng nữa là ở trong cũng có một cớ. Xem những khi bên Thượng-quốc (tôn nước Đại-pháp) có việc chiến tranh, mà con nhà Việt-Nam ứng mộ đến mười mấy vạn người, sang làm lính thợ bên Pháp, đã từng được tiếng khen là đảm đang, chăm chỉ lắm; xem những xưởng máy nọ máy kia ở đây, bọn cu-li đi sớm về khuya, cơm nắm nước bầu, suốt ngày vất vả; xem những công-nghệ chế-tạo của ta, càng ngày càng mở mang, chẳng nhờ nhân-công ta, thì lấy gì mà làm, như thế thì quyết không phải là tự nhân-công ta dở đâu, mà thật là bởi ở một cớ. Là cớ tiền lương không ra gì.
Ôi! viết đến đây, tác-giả để mình phảng-phất vào quãng sáng mờ, hay vào lúc tối mịt, trông thấy bọn thợ lũ năm lũ ba, đầu đội nón rách, mình mặc áo xơ, tuy ngoài miệng nói nói cười cười, nhưng trong bụng nghĩ những: «thuế má làm sao?... ăn mặc làm sao?... vợ con làm sao?... đóng góp làm sao?....» rồi chép miệng thở dài, ngang tay gạt lệ, nhắm mắt bước chân vào cửa xưởng làm,... hay là ở xưởng ra về... thì không ngờ tức mình lên rằng: « Chao ôi! Rõ cái đời của bọn lao-động mình mạt quá! » Sao? Nghĩa là tại ít lương.