Trang:Tho Tan Da.pdf/25

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 23 —

Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu,
Truyện kim cổ một vài câu phải trái.
Châu Nam-hải, thuyền chìm sông Thúy-Ái,
Sóng Tiền-Đường, cỏ ái bến Ô-giang[1].
Ngẫm nghìn xưa, ai tài hoa, ai tiết-liệt, ai đài-trang,
Cùng một giấc mơ-màng trong võ trụ.
Đời đáng chán, biết thôi là đủ;
Sự “chán đời” xin nhủ lại tri âm:
Nên chăng? nghĩ lại kẻo nhầm.


  1. Hai câu này tất cả bốn điển: 1• Châu Nam-Hải là điển nàng Mỵ-Châu. Mỵ-Châu là con gái vua nước Thục, bị người chồng là Trọng-Thủy (con vua Triệu) lừa đảo, rồi đem quân sang đánh. Mỵ-Châu cùng bố chạy ra đến miền bể nam, bị bố chém chết ở đó, máu chôi xuống bể; những con trai ở bể ăn cái máu ấy mà thành ra có ngọc trân-châu. — 2• Thuyền chìm sông Thúy-Ái là điển bà Phan-thị-Thuấn. Phan-thị-Thuấn là ái-thiếp của ông Ngô-cảnh-Hoàn là tướng-quân đời cuối Lê. Cảnh-Hoàn chết trận ở bến sông Thúy-Ái; thị Thuấn dìm thuyền để chết theo. Ấy hai điển ở sử ta. — 3• Sông Tiền-Đường là điển nàng Tây-Thi. Nàng Tây-Thi nguyên là con gái nước Việt, vua nước Việt đem cống sang nước Ngô; vua nước Ngô, vì yêu nàng Tây-Thi mà mê chơi quá độ, sau bị quân Việt đánh mất nước. Vua nước Việt đã đánh được nước Ngô rồi, sai đem vướch nàng Tây-Thi xuống khúc sông Tiền-Đường. — 4• Cỏ ái bến Ô-giang là điển nàng Ngu-Cơ. Nàng Ngu-Cơ là ái-cơ của vua Hạng-vương. Vua Hạng-vương bại trận ở Cai-Hạ, nàng Ngu-Cơ tự vẫn chết, chôn ở gần bờ sông Ô-giang; bờ sông đó thành ra nhiều thứ cỏ gọi là cỏ Ngu-mỹ-nhân. Ấy hai điển ở sử Tàu.