Trang:Ton Ngo Binh Phap - Ngo Van Trien.pdf/226

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.
232
TÔN NGÔ

bẻ phù tín[1] khiến không ai được vào bàn ngang, sợ hoặc lòng quân sĩ.

Đỗ Mục rằng: Sự không thông sứ là sứ giả của bên địch chăng? Nếu là sứ giả của bên địch thì cứ không tiếp nhận là xong, cần gì phải hủy cửa quan, bẻ phù tín rồi mới không thông với họ được? Đáp rằng: Hủy cửa quan bẻ phù tín là để không cho người trong nước ra vào, bởi sợ bên địch có gián điệp lẻn vào, hoặc ẩn hình náu vết, qua nguy vượt hiểm, hoặc trộm ấn cắp dấu, giả thác họ tên mà đến dòm ngó ta. Không thông sứ là kẻ địch dù có sứ đến cũng không tiếp nhận, sợ có những kẻ sĩ trí năng như Trương Mạnh Đàm, Lâu Kính, nhìn cái mờ ở ngoài mà biết được cái tỏ ở trong, sẽ lường biết hết được tình hình hư thực của mình. Đó là khi hình binh chưa thành, sợ kẻ địch biết trước mà chèn chế ta vậy. Hình binh đã thành, sau khi ra khỏi cõi thì sứ giả cũng ở trong đó, ấy là thể cách của đời xưa.

Trương Dự rằng: Miếu toán đã định, quân mưu đã thành thì phá hủy quan ải, bẻ gẫy phù tín, đừng thông sứ mệnh, sợ tiết lộ công việc của ta. Họ có sứ đến thì mình phải nhận, cho nên ở dưới nói: « Kẻ địch mở đóng thì kíp thu vào ».


Răn dè ở trên chỗ lăng miếu để làm công việc.

Trương Dự rằng: Binh là việc lớn, không nên bàn tính một cách khinh dị, phải răn dè trên chỗ miếu đường để làm việc một cách kín đáo cốt để mưu không lộ ra ngoài.


Kẻ địch mở đóng thì kíp thu vào.


  1. Quả ấn, quả dấu.