Trang:Ton Ngo Binh Phap - Ngo Van Trien.pdf/99

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.
102
TÔN NGÔ


Thế thì ta đông mà địch vắng.

Đỗ-Hựu rằng: Ta chụm một cho nên đông, địch chia làm mười cho nên vắng.

Trương-Dự rằng: Thấy rõ chỗ hư chỗ thực của quân địch, không phải nhọc công phòng bị nhiều, cho nên có thể chụm làm một đồn. Họ thì không thế, không trông thấy hình của ta, cho nên phải chia ra làm mười. Thế là ta lấy mười phần của ta để đánh một phần của địch. Cho nên ta đông mà địch tất phải vắng.


Có thể lấy được số đông để đánh số vắng, thì toán quân ta phải cùng giao chiến với, có ít ỏi.

Đỗ-Mục rằng: Ta sâu hào cao lũy, giấu vết vùi hơi, ra vào không có hình, đánh giữ chẳng ai biết, hoặc lấy quân nhanh ngựa khỏe xông vào chỗ không hư, hoặc lấy nỏ cứng cung dài cướp lấy chỗ yếu hại, húc bên tả giẫm bên hữu, dọa đàng trước sấn đàng sau, ban ngày thì nạt bằng ngọn cờ, ban đêm thì lừa bằng tiếng trống. Cho nên quân địch sợ hãi, chia binh đề phòng. Ví như lên núi nhòm vào thành, buông rèm nhìn ra cửa. Cái thế phân trương của địch, ta đều biết hết, cái phương công thủ của ta, địch đều khôn hay. Cho nên ta có thể chuyên nhất, địch thì phải chia lìa. Chuyên nhất thì sức toàn, chia lìa thì sức mọn. Lấy toàn mà đánh mọn cho nên có thể tất thắng.


Cái chỗ ta định giao chiến, không thể biết được.

Đỗ-Hựu rằng: Nói cử động kín đáo, tình không tỏ ra, khiến họ biết ta đi ra mà không biết đi về phía nào, biết đi về phía nào mà không biết họp ở chỗ nào.