— Tôi không biết nghĩ ra làm sao cả; chỉ vội chạy lại đây nói truyện, xem mình có cách nào nghĩ cứu tôi được không.
— Anh còn không biết nghĩ thế nào được; huống-hồ tôi là một người đàn-bà, còn biết làm thế nào mà cứu anh được.
Bác Cả khi ấy ngồi rũ đầu ở dưới ngọn đèn, không có một câu gì nữa. Thị Hai nghĩ một lúc, rồi bảo người tình-nhân khốn-nạn ấy rằng:
— Từ khi anh có lòng yêu mà đi lại đây với tôi, những tiền anh cho tôi, tôi cũng không sắm-sửa gì, vẫn còn để dành cả, để đợi có một ngày ra khỏi đây thời lấy tiền để làm vốn. Số tiền của anh cho mà tôi để dành lại đến nay, tất cả cũng được đến bẩy chục bạc. Bây giờ tôi cho lại anh cái tiền ấy, cùng là cả cái thân của tôi nữa, anh muốn nghĩ làm thế nào cho thoát nạn được thời làm. Thế là tôi ở với anh thật hết tình, không còn có tiếc một tí nào nữa.
Bác Cả nghe nói, như cũng hơi mừng mà rồi lại càng buồn, nghĩ dẫu thế cũng không tính thế nào được; ngồi chỉ thở dài mà điếu thuốc cũng không muốn hút nữa. Ôi! lầu xanh là chỗ để cho những người trong làng chơi đến giải chí, sao lại có người làng chơi như bác Cả đó, đến đó mà năn-nì thảm-đạm như thế ru? Nửa gian nhà cỏ, một ngọn đèn xanh, hai người gục đầu ngồi đối nhau, trong tình-giới đến như thế là u-tình? hay thảm-tình?
Thị Hai lại nghĩ một lúc nữa, rồi lại bảo bác Cả rằng:
— Tôi đã cho anh cả người tôi lẫn của, tôi lại nghĩ hộ anh như thế này, nếu anh mà không làm được nữa thời tôi cũng thật chịu.
— Như thế nào?
— Bây giờ đưa nhau đi hẳn một nơi thật xa, anh nhận tôi là một người em gái, số tiền này anh lấy may cho tôi một bộ cánh, rồi tìm một ông chủ nào có thể nương tựa được mà gả tôi cho ông ấy, anh lại ở hầu ông ấy nhân thể.