Bước tới nội dung

Trang:Truyen ky man luc NVT.pdf/47

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
51
TRUYỀN KỲ MẠN LỤC

— Thế là ta có dòng giống rồi!

Bèn chuyên đem những nghĩa-lý chân-chính dạy con. Sau đó 24 năm thì rồi ông vô bệnh mà mất; Thiên Tích thương-xót rất mực, xa gần ai nấy đều cảm-động.

Khi đã hết tang, Thiên Tích sớm hôm học-hành, không hề trễ-biếng. Nhưng gia-cảnh nghèo-nàn, ăn tiêu không đủ. Thường tìm những nhà có con gái xin vào ở rể, nhưng chẳng ai nhận cả. Láng-giềng hàng-xóm, họ thấy nghèo thường đem lòng khinh. Chàng than rằng:

— Cha ta thuở trước cứu sống được cho hàng nghìn người, mà rút lại không cứu sống được một đứa con. Làm thiện như thế phỏng có ích gì!

Nói chưa dứt lời, bỗng thấy một người áo mũ chững-chạc, tự xưng là quan đại-phu họ Thạch, đến vái chào mà rằng:

— Ngày xưa tôi từng chịu ơn dày của Dương-công, không biết lấy gì đền-báo. Có đứa con gái là Hán Anh, vậy xin hiến cậu để hầu-hạ chăn-gối. Cậu nên tự bảo-trọng lấy mình, đừng vì cớ nghèo mà để tiêu-mòn mất trí-lự.

Nói xong chợt biến đi đằng nào mất. Thiên tích rất lấy làm quái lạ, bèn ghi-nhớ lấy những lời nói ấy. Nhân nghe ở huyện Tiên-du có Trần tiên-sinh dạy học trò đến mấy trăm người, bèn cắp sách đến theo học, ở ngụ tại một nhà trong xóm Thanh-lân. Xóm ấy có một nhà giàu-có họ Hàng, thấy sinh mặt-mũi khôi-ngô, văn-chương thông-thái, có cái ý muốn kén vào ngôi đông sàng. Người chồng bảo vợ rằng:

— Nhà ta mấy đời lấy nghề buôn bán mà khởi-gia, hiện tiền-của chẳng thiếu gì, chỉ thiếu có người rể tốt. Nay có Dương-sinh ở trọ bên láng-giềng, thật là một tay hào-kiệt ở Nam-châu; vả xem tướng-mạo, sau này chắc có thể làm nên. Con bé nhà ta tuổi cũng lớn rồi; mối duyên trao tơ, ngoài đám ấy thì còn đám nào hơn nữa!