Trang:Việt thi.pdf/19

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

II

CÁC THỂ THƠ

Thơ của người Việt-nam có hai loại: một loại đặc-biệt của Việt-văn, một loại theo đúng qui-tắc của thơ Hán-văn, như lối thơ thường dạy ở các trường học và dùng trong khi thi-cử thủa xưa.

A.— THƠ RIÊNG CỦA VIỆT-VĂN

Thơ riêng của Việt-văn có hai thể hay dùng hơn cả, là thể lục-bát và thể song-thất lục-bát. Hai thể thơ ấy khác với thơ Hán-văn về đường thể-tài và cách gieo vần. Thơ Hán-văn thường là ngũ-ngôn hay thất-ngôn và chỉ có cước-vận là vần ở cuối câu mà thôi. Thơ Việt-văn, dù là thể lục-bát hay thể song-thất lục-bát, đều có cước-vận và yêu-vận.

Vì có yêu-vận là vần ở giữa câu, cho nên cứ hết hai ba câu lại đổi sang vần khác. Thơ Việt-văn vì có yêu-vận và cước-vận, cho nên có thể làm lối trường thiên, dài bao nhiêu câu cũng được. Bởi vậy các truyện bằng quốc-âm đều làm bằng thơ lục-bát hay thơ song-thất lục-bát.

22