Trang:Việt thi.pdf/20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.


VIỆT THI

Lục-bát là một thể thơ cứ một câu sáu chữ lại một câu tám chữ, tiếp-tục như thế mãi và dùng toàn một thứ vần bằng.

Kể từ câu thứ hai trở đi, cứ ba câu một vần, rồi liên-tiếp mãi cho đến cùng. Cước-vận câu bát vần với cước-vận câu lục ở dưới và yêu-vận câu bát tiếp sau.

Song-thất lục-bát là một thể thơ có hai câu bảy chữ đi liền với nhau, rồi đến hai câu lục-bát, và có vần trắc ở hai câu thất. Cước-vận câu thất thứ hai vần bằng, vần với cước-vận câu lục và yêu-vận câu bát. Như vậy, thì trong thể thơ song-thất lục-bát cũng có ba câu một vần. Cước-vận câu bát lại vần với yêu-vận ở chữ thứ năm câu thất tiếp sau.

Sau này xét rõ cái thể-tài hai thể thơ Việt-văn là thể lục-bát và thể song-thất lục-bát.

Thể lục-bát

Thể lục-bát là lối thơ truyện Kiều và phần nhiều những truyện viết bằng quốc-âm. Vậy lấy mấy câu ở đầu truyện Kiều làm mẫu:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau-đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen với má hồng đánh ghen.

Xem mấy câu thơ lục-bát ấy, có thể hiểu được luật bằng trắc và cách gieo vần trong thể thơ ấy.

1. Luật bằng trắc.— Thơ lục-bát khởi ở tiếng bằng, cho nên thường là trong câu thơ nào tiếng thứ hai cũng là tiếng bằng.

23