Trang:Việt thi.pdf/48

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.


VIỆT THI

chỉ biết vào đời Tự-đức ông làm tổng-đốc Hà-nội. Ông sùng đạo Phật, thường gọi là ông Thượng Giai.

Nguyễn Khải-Xuyên, chưa biết rõ.

Ba Giai, người cuối đời Tự-đức, ở Hà-nội, tính du-đãng và hay thơ nôm.

Hoàng Mông-Đạt, người làng Tân-hội, huyện Tân-long, tỉnh Gia-định, đỗ cử-nhân đời Minh-mệnh. Khi Nam-kỳ thuộc về nước Pháp, ông ra làm quan đến chức tuần-phủ tỉnh Hà-tiên. Ông cùng đồng thời với Tôn Thọ-Tường đều được người Pháp tin dùng.

Tôn Thọ-Tường (1825 — 1877). Ông người tỉnh Gia-định, đỗ cử-nhân, sau lại làm quan với Chính-phủ thuộc-địa của Pháp đến chức Đốc-phủ, thường gọi là đốc-phủ Tường. Ông cùng với Hoàng Mộng-Đạt có tiếng hay thơ trong miền Nam.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 — 1888). Ông người làng Tân-thới, huyện Bình-dương, tỉnh Gia-định, đỗ tú-tài năm Thiệu-trị thứ ba (1843). Ông là người có khí tiết, chẳng may phải khi quân Pháp sang chiếm đất Nam-kỳ, ông lại mắc bệnh mù cả hai mắt, chạy về ở Ba-tri, thuộc Bến-tre, mở trường dạy học, tục gọi là ông Đồ Chiểu. Ông từ chối hết mọi sự giúp-đỡ của người Pháp và cứ an bần lạc đạo cho đến cùng. Ông để lại quyển Ngũ-kinh gia-huấn ca, truyện Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y-thuật vấn đápDương-từ Hà mậu.

Phan Văn Trị, người Nam-kỳ, đỗ cử-nhân.

Bà Bảng-nhỡn. Bà là vợ ông Phan Quỳ, tục thường gọi là bà Bảng-nhỡn, không hiểu tại lẽ gì. Bà là người tỉnh Quảng-nam, có tiếng hay thơ quốc-âm.

Tuy-Lý Vương (1820 — 1897). Ông là con thứ 11 vua Minh-mệnh, cùng với Tùng Thiện Vương là hai

51