Trang:Vi nghia quen tinh.pdf/21

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 15 —

Ông vốn trước con nhà nho-nhã, lỡ bước sểnh vời, lưu-lạc tự thuở mười ba, ra kéo quạt ở sở máy đèn Hà-nội, trọ ở một nhà bà hàng nước ở phố Sinh-từ. Bà tuy làm nghề hèn kém mà vốn cũng có ít nhiều, nhân thấy thằng bé kéo quạt đi làm có chí-thú mà chăm-chỉ siêng-năng, ngày làm tối về lại đi học những người đã biết, bà có lòng yêu. Thằng bé đã ngoan mà lại đẹp trai, hỏi giòng-giõi ra con nhà nho-sĩ, vì cha mẹ chết sớm lưu-lạc nên phải theo đòi chức-phận ti-tiểu; ăn nói lễ-phép, ra vào ý-tứ, bà yêu mà bà lại thương. Bà ở góa sớm, được một gái tên là Nguyễn-Thị-Dần, rau cháo nuôi con cho đi học ở trường hàng Trống, nhân hiếm người trông sóc việc nhà mới bảo Lưu-Phan rằng:

— Nếu con có muốn làm con nuôi ta thời ta nuôi cho, sau này sẽ gây dừng cho nên thân nên phận.

Lưu-Phan xin làm nghĩa-tử, gọi bà là mẹ, gọi Dần là chị; tuổi Phan khi đó 14, tuổi Dần 13. Dần bấy giờ đã học lớp năm trường Hàng Trống bèn dạy Phan, Phan thông-minh chẳng mấy mà nhân Dần dạy học lại vượt sức Dần, Dần đem lòng âu-yếm xin với mẹ cho cả Phan đi học trường Yên-phụ.

Ngày tối mai qua, sen tàn cúc nở, quả địa-cầu quanh đường quĩ-đạo năm vòng, thời bà mẹ nuôi Phan đã chơi nơi Bồng-lĩnh, Dần thừa-tự cơ-nghiệp, thôi học về nối cửa hàng mẹ, song lợi-dụng cái vốn nhỏ ấy mà mở-mang sự buôn-bán cho rộng ra. Phan bấy giờ học đã giỏi, thi Thông-ngôn thủa ấy còn dễ, nên Dần cố cho Phan dấn bước đường mây, hai năm nữa Phan đã sơ-bổ làm Thông-ngôn tại tòa Đốc-lý.

Lửa sẵn gần rơm, tài em chị đã rõ, mạo em chị cũng tường, em đã thành-danh, chị chưa xuất-giá. Tiếng dù em dù chị, song khác mẹ khác cha, gái tơ đứng đó một mình phải sớm tính tìm nơi nương tựa; trai mởn đương thì đắc-ý cũng mong rằng sánh phượng đẹp đôi. « Cái ái-tình này, chớ nói cùng ai, chỉ có hai người, biết nhau mà thôi. »

Trước còn ân-nghĩa, sau ra đá-vàng, sự đó là thường vậy. Ôi! một giây một buộc ai giằng cho ra?

Con người ta trong khi ưu-hoạn thường là người tốt, đến lúc đắc-chí dễ ra người hư, thế cho nên cổ-nhân có câu « sống