khí mạnh thì nhời nói dù vắn dù dài đều phải chạy. Ông Tô-tử-Chiêm nói rằng: « Văn không có thể vì khỏe mà hay, nhưng khí thì có thể nuôi mà mạnh ». Vậy thì cách dưỡng khí, cũng phải biết mới được.
4º Cốt (xương).— Xương bám vào thịt, song nhiều thịt thì thà rằng nhiều xương còn hơn. Vì xương nhiều tuy rằng gầy gàu nhưng mà cốt cách coi còn khỏe mạnh; chớ nhiều thịt thì phục phịch lại càng khó chịu. Gân lại phụ vào xương. Văn-chương mà đứng đắn xốc vác, nhờ ở cốt nhiều, mà mạch lạc liên tiếp thì cần nhất là ở tại gân, điều đó cũng phải xét mới được.
5º Chất.— Người vẽ trước hết phải có nền phác họa, người khéo làm văn trước hết cũng phải lập cục sẵn sàng, tức là cái nền văn vậy.
6º Phẩm.— Văn cũng phải có phẩm cấp. Người cao thì không làm thế nào cho thấp được, người thấp cũng không làm thế nào cho cao được. Cho nên có tiên phẩm, có tài phẩm, có phàm phẩm, nghĩa là cao thấp khác nhau. Còn như hạ phẩm thì tức như bọn tôi tớ, không cần nói đến nữa.
7º Tài.— Tài là cái tài làm văn. Văn của Thái-sử-Công, trong một bài, tả đến vài mươi việc; vậy mà giãi bày phân minh, nói đâu ra đấy, chớ không bối rối; lần lượt chỉnh đốn, mỗi lời một khác, chớ không trùng điệp. Đến như tả một việc rất thô tục, dẫn một nhời rất quê mùa, cũng điểm hóa cho ra nhời rất thanh cao, người làm văn không ai đặt hơn được. Văn ông Tô-tràng-Công thì biến hóa xô xốc, như ngựa thần hóa rồng, không ai ràng buộc được.
8º Thức.— Văn-chương nghị-luận do ở kiến-thức mà ra. Kiến-thức cao thì nghị-luận cũng cao, kiến-thức thấp thì nghị-luận cũng thấp.
9º Lý.— Văn có lý, mới đủ làm chủ-trương cho tư-cách. Nếu không có lý thì lời văn tuy rườm rà mà không có lẽ gì. Cho nên làm văn đệ nhất là phải thấu lẽ, có