9º Ly (lìa).— Văn tự rất kỵ là song sóng điều nhau, cốt cho sâm si thác lạc, chỗ nào tan thì hợp lại, chỗ nào hợp thì lại tan ra, đó là cái thế làm văn.
Xem 9 phép trên này, có thể bổ thêm cho 24 phép của Võ-thúc-Khanh. Ta nên tham cứu trong từng ấy phép thì phép làm văn tưởng cũng không thiếu mấy nữa.
Luận riêng về phép làm thơ
Trên này luận chung cả các phép văn-chương. Nhưng trong các lối văn-chương, khó nhất lại là lối thơ. Vì thơ có ít chữ, và lại phải bó theo vần theo luật, nói làm sao cho gọn mà cai được nhiều ý, tuy theo vần theo luật mà vẫn như câu tự nhiên thì mới là hay. Vả nghề làm thơ lại là một nghề chơi rất thanh thú hơn các lối văn khác mà phần người ta thích chơi thơ cũng nhiều. Vậy tưởng nên bàn riêng cho được tinh tường để giúp thêm vào việc khảo-cứu cho nhà làm thơ về sau.
Thể cách lối thơ thế nào, đã nói tường ở trong tiết thứ hai, bất tất phải nói nữa, nay chỉ nói phép làm mà thôi.
1º Bố cục.— Thơ cũng phải bố cục như các lối văn khác. Gặp đầu bài nào, trước hết phải nghĩ trong bài có những ý-tứ gì, nên mở ý gì, nên thừa ý gì, nên lấy ý gì mà tả thực, nên lấy ý gì mà nghi-luận và nên kết lại ý gì, phải giàn định trước thì lúc hạ bút làm văn không túng ý và không trùng ý. Bài nào có nhiều ý-tứ quá thì nên lựa lấy ý nào cao hơn, đích đáng hơn hãy làm.
2º Cú pháp.— Cú pháp là phép đặt câu. Trong 8 câu thơ, câu đầu tiên là câu phá đề, phải suy nguyên cái ý đầu đề, hoặc là bàn lẽ, hoặc là kể sự thực, cốt nói để khơi ý mà vào bài. Câu thừa đề thì là nói tiếp ý câu trên mà vào đầu bài. Hai câu tam tứ là câu thích thực, chỉ thích nghĩa trong đầu bài ra thôi, mà phải nói cho đủ nghĩa, nếu thiếu ý nào thì là lậu ý đề không được. Hai câu luận thì suy rộng ý đầu bài mà nói, hoặc nẩy ra tình tứ gì, hoặc lấy điển-tích gì mà so sánh vào cũng được. Câu kết thì muốn nói thế nào cũng được, nhưng cốt có ý dính đến đầu bài thì thôi.