Trang:Viet Han van khao.pdf/113

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 101 —

Thí-dụ như bài sau này:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tý,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Câu đầu tiên muốn nói sự câu cá, trước nói ngay cái ao mùa thu, tức là suy nguyên cái ý đầu bài. Câu thứ nhì nói đến thuyền câu, tức là vào bài. Câu tam tứ một vế tả cảnh câu cá, một vế tả cảnh mùa thu, đó là thích nghĩa đầu bài. Câu ngũ lục tả cái cảnh ở trong khi ngồi câu trông thấy, tức là suy rộng cái ý của đầu bài. Câu kết nhân không câu được cá mà tả đến lòng tưởng tượng, thực như vẽ ra cảnh lúc ngồi câu.

Chỉnh đối.— Trong bài thơ trừ ra câu phá câu thừa và hai câu kết không phải đối nhau, còn hai câu thực và hai câu luận thì phải đối nhau cho chọi từng chữ. Chữ nặng phải đối với chữ nặng, chữ nhẹ phải đối với chữ nhẹ, chữ thực phải đối với chữ thực, chữ hư phải đối với chữ hư, tình phải đối với tình, cảnh phải đối với với cảnh, chữ Hán phải đối với chữ Hán, chữ nôm phải đối với chữ nôm, bóng bẩy đối với bóng bẩy, điển-tích đối với điển-tích v. v.

Nặng là những tiếng gọi tên các sự vật mà những tiếng chỉ ra các ý nghĩa tôn-trọng to-tát, ví như các tiếng Trời, Đất, Thánh, Thần, Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, v. v. Chữ nào nhỏ hơn tiếng nặng và những tiếng vô-hình là tiếng nhẹ. Thực là những tiếng hữu-tình như các tiếng hoa cỏ gió mây v. v. Hư là những tiếng vô hình, như những tiếng đua đẩy và những tiếng xa gần, có không, nhiều ít, cao thấp v. v.