Trang:Viet Han van khao.pdf/115

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 103 —

Thí-dụ như bài sau này:

Ông cắng đánh nhau

Giật gậy bà Giằn phang dưới gối.
Cướp dùi ông Hễnh choảng trên đầu.
Cha Căng mất vía bon lên trước,
Chú Diếc kinh hồn lẩn lại sau.

Ông Cắng là tiếng tục chỉ nghĩa vu vơ, cho nên trong bài lại dùng những tiếng bà Giằn, ông Hễnh, cha Căng, chú Diếc cũng là một thứ tiếng tục chỉ nghĩa vu-vơ điểm-nhiễm với đầu bài.

Quí thanh nhã.— Làm thơ nên tìm những tiếng êm-ái, bóng-bẩy, mát-mẻ, trang-trọng, chớ không nên dùng những tiếng thô-bỉ, tục-tằn. Dẫu tả đến sự thô-tục, cũng phải nói cho thanh.

Thí-dụ như câu:

Duyên thiên chửa thấy nhô đầu gộc,
Phận liễu thôi đà nẩy nét ngang.

Câu đó là thích nghĩa bài « không chồng mà chửa », nghĩa đầu bài hơi thô mà nói như thế thì rất thanh.

Quý ổn luyện.— Ổn là êm nghĩa, luyện là cắn nghĩa. Đặt câu phải dùng những tiếng nào thuận nghĩa thì đọc mới thanh thoát mà êm tai; trong một câu chữ trên chữ dưới có hợp tình ý với nhau thì mới cắn nghĩa. Nếu không ổn luyện thì nhời văn thành ra lủng-củng không nghe được.

Thí-dụ như câu:

Gió dựa tường ngang lưng gió phẳng,
Giăng dòm cửa sổ mắt giăng vuông.

Gió sao lại có lưng, vì trên hạ chữ « dựa », cho nên dưới hạ được chữ « lưng »; giăng sao lại có mắt, vì trên hạ chữ « dòm » cho nên dưới hạ được chữ « mắt »; vả lại vì có tường ngang mới hạ được chữ « dựa », vì có cửa sổ mới hạ được chữ « dòm » thế là ổn luyện.