Trang:Viet Han van khao.pdf/123

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 111 —

Nhà Hán mới lên, văn-chương cũng còn chất-phác. Tống nho bình luận văn nhà Hán cho là nhời nhẽ quê kịch như cành cây thô, như cái lá to. Xem như bài chiếu cầu-hiền của vua Cao-tổ có câu rằng: « nguyện tòng ngã du giả ngô năng tôn hiển chi », nghĩa là muốn theo ta đi chơi thì ta có thể cho được quí hiển. Nhời ấy thì quê kệch thực, nhưng văn có ý vị hùng hồn. Ngoại giả là văn Giả-Nghị, văn Đổng-trọng-Thư, văn Dương-Hùng, văn Lưu-Hướng, cũng đều là văn Hoàng-Chung đại-lữ, cho nên thời nhà Hán cũng là một thời cường-thịnh.

Đến thời nhà Đường, văn-chương có ba phen biến đổi. Lúc mới, văn chưa có gì, gọi là lúc Sơ-đường; đến khoảng giữa thì chính là thời Lý-Bạch, Đỗ-Phủ, Hàn-Dũ, Liễu-tôn-Nguyên, văn-chương rất thịnh, gọi là lúc Thịnh-đường; đến sau văn-chương sinh ra phiền-toái, gọi là lúc Đồi-đường. Khí-vận nhà Đường, khi suy khi thịnh, cũng theo với ba khoảng đó.

Về đời Lục-triều, văn-chương lại càng hoa-lệ lắm; hoa-lệ bao nhiêu thì quốc-vận lại nhu-nhược bấy nhiêu. Tiên-nho luận về văn-chương khi đó có câu rằng: « tích án doanh tương, tận thị sầu oán bi ai chi khúc, liên thiên lũy độc, vô phi phong hoa tuyết lộ chi hình », nghĩa là hòm đầy, án chứa, hết thẩy là khúc sầu oán bi ai; sách chất, vở chồng, hết thẩy là nhời phong hoa tuyết lộ. Thời Lục-triều sở dĩ suy nhược cũng là bởi đấy.

Đếm thời Tống, Minh, Lý-học rõ ràng ra thiên-hạ, hơn đời Hán, Đường; mà văn-chương cũng chi-ly phiền-toái hơn đời Hán, Đường, cho nên cường-thịnh cũng kém đời trước.

Về nước ta từ thời nội-thuộc giở về trước thì không kể gì. Đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần thì cũng là mới tiêm nhiễm được ít nhiều văn-hóa của Tàu, văn-chương hiện ra trong sử sách, đã dần dần mỗi ngày mỗi thịnh. Từ thời Hậu Lê giở về thì văn-chương lại càng thịnh hơn trước, mà dân