Ngài chẳng những là một nhà triết-học, một nhà đạo-đức, mà lại là một nhà đại chính-trị nữa. Xem như ngài đáp những câu hỏi về chính-trị của các học trò, mà nhất là câu đáp thầy Tử-cống rằng: « Túc thực túc binh, dân tín chi hỹ » nghĩa là đủ ăn, đủ binh, dân lại tin mình. Việc trị nước còn gì bằng làm cho dân lương thực phong túc, đủ ăn tức là dân giầu; còn gì bằng làm cho nước được quân sĩ cường thịnh, đủ binh tức là nước mạnh; song giầu mạnh mà dân không biết tin yêu người trên, tức là không có lòng ái-quốc, phải có giáo-dục để cho dân biết tin mến người trên, ấy là đúc nên cái quốc hồn cho nước vậy.
Lại xem như ngài lấy ba chữ « thứ, phú, giáo » bảo thầy Nhiễm-hữu. Thứ tức làm cho dân sinh-sản được nhiều, phú tức làm cho dân được giầu có, giáo tức là dạy cho dân biết lễ nghĩa, mở trí khôn-ngoan. Cứ xem như những nhời đó thì dẫu các nhà chính-trị ở bên Âu-châu, kiến-thức cao đến đâu, cũng bất ngoại các lý-tưởng ấy.
Lại xem như khi ngài làm đại-tư-khấu giúp vua Định-công mà nước Tề phải trả lại đất xâm tiếm; sau ngài quyền việc làm tướng nước Lỗ, mới 3 tháng mà trong nước cả trị, đủ rõ cái tài năng của ngài vậy.
Học sách Luận-ngữ, nên phải ngẫm nghĩ nhời thánh-nhân mà biến hóa cái tính chất của mình mới là biết học. Ông Tình-Tử nói rằng: nguời đời nay không biết đọc sách. Cứ như đọc sách Luận-ngữ, lúc chưa học là người bậc ấy, khi học hết sách rồi, lại vẫn là người bậc ấy, thế là không biết học.
Trong cả bộ Luận-ngữ, xưa nay không còn ai dám chỉ nghị câu gì. Duy có một câu còn có người phân vân chỉ nghị, tưởng cũng nên bàn lại cho rõ. Ngài có nói rằng: « dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi » nghĩa là dân khá khiến noi theo, chớ không khá khiến cho biết. Cứ như nghĩa tập chú đã phân giải mà xưa nay ta thường theo, thì cho là thường-dân tính-chất ngu độn, phàm việc gì chỉ nên cho theo cái lẽ đương-nhiên, mà không nên cho biết đến cái lẽ sở-dĩ nhiên. Có người bác rằng: Nếu như