Trang:Viet Han van khao.pdf/138

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 126 —

thế thì bụng thánh-nhân chẳng hóa ra hẹp hòi lắm ru! Bèn chấm lại câu mà giải lại nghĩa rằng: « dân khả, sử do chi » nghĩa là dân, người nào khá thì nên khiến cho noi theo; « bất khả, sử tri chi », nghĩa là người nào không khá thì nên khiến cho phải biết. Lời giải ấy thì có nghĩa trọng về đường giáo dục, song thiết tưởng cũng khí nạn nghĩa, vị tất đã phải là nguyên-ý của thánh-nhân. Cứ như thiển-ý thì nghĩa rằng câu đó là thánh-nhân có ý than thở vì dân ngu mà không chịu học, chỉ khá khiến cho noi theo khuôn phép mà làm, chớ không khiến cho biết được cái nguyên-lý của việc ấy. Ngài nói như vậy là một nhời nói khích-khuyến để cho ai nấy nên học mà hội lấy lý cao-xa, chớ đừng để mang tiếng là kẻ ngu-dân vậy.

Trung-dung.— Cháu đức Khổng-tử là thầy Tử-tư, lo rằng đạo-thống của ngài thất truyền, cho nên soạn ra sách này.

Sao lại gọi là Trung-dung? Trung là cái lẽ trung-chính của thiên-hạ, không lệch về bên nào; dung là cái lẽ bình-thường và là lẽ nhất-định của thiên-hạ, không khi nào biến dịch được. Nói hợp lại thì lẽ trung-chính ấy là lẽ bất dịch. Trong sách chủ ý nói giãi tỏ lẽ ấy, cho nên gọi là Trung-dung.

Chữ « trung » phát nguyên từ câu « doãn chấp quyết trung » của vua Nghiêu truyền cho vua Thuấn. Từ đó giở đi thì các bậc thánh-hiền đều lấy chữ ấy làm tâm-pháp mà truyền thụ cho nhau. Có ngẫm cho cùng mới biết chữ ấy là một lẽ rất đích đáng, để mà ứng đối việc đời. Phàm muôn việc ở đời, việc gì cũng có một lẽ phải. Cái lẽ phải không nhất-định trước được, phải tùy theo thời, tùy theo thế, tùy theo từng việc mới được, miễn là làm thế nào cho hợp với thời thế, hợp với nhân tình, và hợp với lương tâm của mình thì thôi. Qua cái lẽ phải ấy là thái quá, chưa đúng đến lẽ phải là bất cập đều không gọi được là trung bình. Vậy thì một chữ « trung » tức là một lẽ phải mà lẽ phải tức là một lẽ thiên cổ bất dịch. Cầm chữ « trung » mà ứng phó muôn việc, ví cũng như cầm cái cân mà cân các vật. Vật nặng nhẹ, tùy vật mà di dịch