Bước tới nội dung

Trang:Viet Han van khao.pdf/146

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 134 —

thuật sự mà ngụ ý bao biếm, Đại-học thì nói về đạo tu, tề, trị, bình, Luận-ngữ thì nói về đạo hiếu, đễ, trung, tín, Mạnh-tử thì giảng giải về hai chữ « nhân nghĩa », Trung-dung thì phát minh ra hai chữ « thời trung », đó là nghĩa cốt yếu của văn kinh truyện, song rút lại thì đều là giảng minh những đạo lý thiết-đụng của người ta, trong có thể noi theo đó mà sửa mình, ngoài có thể noi theo đó mà kinh thế, tuy lý tưởng không xa lạ gì cho lắm, nhưng toàn là đạo lý đương nhiên, dù muốn vượt khỏi các lời ấy cũng không được. Cho nên có câu rằng: « Văn-chương kinh truyện tựa như vẻ vải lụa, mùa thóc gạo », nghĩa là bình thường giản dị mà thiết-dụng cho người, dù muốn bỏ cũng không sao mà bỏ được. Đến như văn-chương Chư-tử, lý tưởng tuy sai với đạo thường, nhưng cũng đều có cái kiến-thức đặc biệt, hậu nhân không nên khinh thường mà nghị luận. Vả những tứ cao kỳ, những lời cổ kính, lại đủ làm cái kho dụng-điển vô tận cho nhà văn-chương đời sau. Than ôi, thời thế mỗi ngày một thay đổi, sự học thức của người cũng mỗi ngày một mở mang, lý tưởng cổ thời, tuy so với bây giờ thì khác nhau nhiều, nhưng trải mấy nghìn năm, mà vẫn còn rực rỡ chói rạng ở đời, há chẳng thịnh lắm thay!


TIẾT THỨ VII

Luận về văn-chương thời trung cổ

Trung cổ kể từ thời nhà Hán cho đến cuối thời nhà Tống. Trong khoảng đó, trừ ra văn-chương chế cáo của các nhà vua, còn hiển hách nhất là văn-chương của các nhà đại nho, nhà Hán thì có Giả-Nghị, Đổng-trọng-Thư, Dương-Hùng, Tư-mã-Thiên; nhà Tùy thì có Văn-trung-Tử; nhà Đường thì có Hàn-Dũ; nhà Tống thì có Âu-dương-Tu, Tô-đông-Pha, Chu-liêm-Khê, Trình-minh-Đạo, Trình-y-Xuyên, Trương-hoàng-Cừ, Thiệu-khang-Tiết, Chu-hối-Am, Hồ-nguyên-Định v. v. Đó toàn là những nhà trứ thư lập ngôn, có công vệ đạo với thánh kinh hiền truyện, song cũng có hơn kém hay giở khác nhau, nay luận qua văn-chương của từng nhà như sau này: