Duy ở trong thiên Nguyên-đạo có một câu rằng: « Bác ái chi vị nhân », nghĩa là rộng yêu gọi là nhân, câu ấy thì tiên-sanh khí sai bởi vì « nhân » là một cái nguyên lý lương tâm của người ta, vì có lương tâm ấy mới biết rộng yêu chủng loại. Vậy thì sự rộng yêu là công dụng của lòng nhân, mà nhân thì là bổn thể của sự rộng yêu. Nay nói rộng yêu tức là nhân thì là nói bên dụng mà sót mất bên thể. Vả lại trong thiên đó, tiên-sanh nói hết cả đến các việc đói ăn rét mặc, cửa nhà thành quách, bày các tiết mục, để tỏ rằng cái công dụng của đạo lý khắp ra thiên-hạ, song tiên-sanh chỉ nói những công dụng ấy mà không suy nguyên đến gốc đạo thể, cho nên tiên-nho thường chê tiên-sanh rằng học chưa thấu đến ngọn nguồn.
Tuy vậy, chỉ có vài nơi khiếm khuyết, nhưng công tiên-sanh vẫn là to. Ông Trình-tử có nói rằng: « Thiên Nguyên-đạo dẫu còn có chỗ chưa tận thiện, nhưng từ thời Mạnh-tử giở về, mới thấy người này là nhiều kiến thức to tát ».
Đến như văn-chương của tiên-sanh thì lại càng có công lắm. Vì từ thời Đông-Hán giở về, trải qua 8 triều, văn-chương ủy mĩ. Đến tiên-sanh mới lấy văn lục kinh, xướng suất cho chư nho, từ đó văn-chương mới lại có khí mạnh mẽ. Có câu khen rằng: « Văn của tiên-sanh, phấn khởi được cái khí suy nhược của tám triều ».
Tống nho
Âu-dương-Tu.— Tự Hán, Tấn giở về, thiên-hạ say đắm về Phật, Lão hầu không biết đến đạo giáo Khổng, Mạnh là gì. Hơn 500 năm, mới có Hàn-xương-Lê tiên-sanh, ra sức đạp đổ mối dị đoan mà binh vực lấy chính-đạo. Sau 300 năm nữa lại có Âu-dương tiên-sanh suy rộng những ý kiến của Hàn, Mạnh, để phát minh đạo Khổng-tử cho rõ ràng thêm ra. Vậy nên thiên-hạ ai nấy đều tôn trọng tiên-sanh, gọi là « Kim chi Hàn-Dũ » tiên-sanh thời nay.