Bước tới nội dung

Trang:Viet Han van khao.pdf/160

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 148 —

của người trước, duy có câu luận đến tính là phát minh ra một nghĩa mới, các tiên-nho đều chịu là một nhời chính đáng, có công với Thánh-môn và có ích cho kẻ hậu-học. Nguyên từ khi cụ Mạnh-tử phát minh ra hai chữ « Tính thiện », nghĩa là cái tính của giời phú bẩm cho người ta ai cũng lành. Đến Tuân-Khanh thì nói: « Tính ác », là tính của người ta ai cũng ác; Dương-Hùng thì nói « Thiện ác hỗn », là tính lẫn cả thiện và ác; Hàn-văn-Công thì nói: « Tính hữu tam phẩm », là tính có ba bậc. Học-giả phân vân, chưa biết theo nhời nào là đích, mà ngẫm ra thì cũng chưa có bằng cớ nhất định nào mà tin được. Bảo rằng tính lành, làm sao lại có người bụng dạ độc ác? Bảo rằng tính ác, làm sao lại có người bụng dạ hẳn hoi? Bảo rằng tính lẫn cả thiện và ác, làm sao lại có người chỉ có thiện mà không có ác, hoặc chỉ có ác mà không có thiện? Bởi thế mà phân vân chưa quyết định nhời nào là phải. Đến tiên-sanh mới nói rằng: « Tính ư nhân, vô bất thiện, hình nhi hậu hữu khí chất chi tính, thiện phản chi tắc thiên địa chi tính tồn yên ». Nghĩa là tính ở người ta ai cũng lành, có hình thể rồi mới có cái tính khí chất, khéo đem lại thì giữ được cái tính tự nhiên của giời đất phú cho mình. Xem như câu đó, thì cái tính bổn nhiên của giời đất phú bẩm cho người ta, là bởi một cái lẽ chí thiện của giời đất, cho nên ai ai cũng lành. Song người ta đã đành chịu được cái lẽ ấy để thành tính, nhưng lại phải chịu cái khí của âm dương ngũ-hành mới thành được cái hình thể; mà khí âm dương ngũ-hành thì có trong đục, dầy mỏng khác nhau, ai bẩm được cái khí trong trẻo, dầy dặn thì mới sáng suốt hiền hậu, mà vẫn nguyên cái tính lành; còn người nào chịu phải cái khí vẩn đục, mỏng mẻo thì người ngu tối bạc bẽo, mà thành ra tính ác. Sở dĩ người ta có kẻ thiện người ác, là bởi cái khí chất đó. Tuy vậy, cái khí chất dẫu khiến cho người ta thành tính ác, nhưng ai biết sửa đổi tính ác thì lại giữ nguyên được tính lành là tính bổn nhiên của mình. Ví cũng như cái hạt quả kia, hạt nào cũng có một cái nhân của trời phú sẵn cho, cái nhân ấy vẫn có một