Trang:Viet Han van khao.pdf/162

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 150 —

ngày; lại từ giờ ngọ đến giờ hợi (10 giờ đêm) là lúc dương tiêu âm trưởng, tức là hồi từ thịnh sang suy trong một ngày. Nhân đó mà suy rộng mãi ra; cứ 12 giờ là một ngày; 30 ngày là một tháng, 12 tháng là một năm, 30 năm là một thế, 12 thế là một vận (360 năm), 30 vận là một hội (10.800), 12 hội là một nguyên (129.600 năm). Cái thịnh suy cứ lần lần theo từng bậc mà nhớn nhỏ khác nhau, hết thịnh lại suy, hết suy lại thịnh, kỳ cho đến khi nào hết một nguyên thì giời đất cũng phải tiêu diệt, mà lại dần dần sinh ra thế giới khác. Tiên-sanh lại kê cứu các việc trong sử sách, bắt đầu từ năm giáp-thìn là năm đầu thời vua Nghiêu, cho đến năm kỷ-mùi là năm thứ năm vua Hiển-đức thời ngũ đại lấy các việc hưng vong trị loạn ghép vào năm tháng để làm chứng cớ mà nghiệm sự thực. Cứ như số của tiên-sanh tính ra thì vua Nghiêu chính là vào khoảng giữa trong một nguyên, cho nên lúc bấy giờ là lúc thịnh trị, thiên cổ không bao giờ lại được như thế.

Lý-thuyết ấy cũng là một tư tưởng đặc biệt của tiên-sanh người chưa học thấu lý huyền diệu của tạo-hóa thì cũng chưa biết thế nào mà dám nghị luận. Còn như tính tình của tiên-sanh, phát tiết ra những thơ văn xem trong bài truyện « Võ danh công » cùng là trong tập thơ « Kích-nhưỡng » thì đủ tỏ ra tiên-sanh là một người điềm đạm tự nhiên và rất hào phóng. Xem như câu rằng:

Họa như hứa miễn, nhân tu xiểm;
Phúc nhược đãi cầu, thiên khả lương.

Nghĩa là: Vạ bằng tránh khỏi, người nên nịnh; phúc nếu cầu nên, giời cũng nhàm.

Lại như câu:

Phong nguyệt tính hoài,
Giang hồ tính khí.
Vô tương vô nghinh,
Vô câu vô kỵ.

Nghĩa là: Niềm phong nguyệt, tính giang hồ, không đưa đón lắm, chẳng gò gập chi.