Các nhà văn-nho thi-sĩ. — Trên này kể qua mấy nhà trứ danh đại nho, tuy kiến thức có thuần tạp thiển thâm khác nhau, nhưng điều là có công trước tác, phụ dực cho đạo thống của thánh hiền. Còn những tay văn-nhân thi-sĩ thì thời nào cũng có, như thời nhà Hán thì có Tống-Ngọc, Tương-Như, Vương-Bao, Lưu-Hướng v. v.; về thời nhà Ngụy, nhà Tấn thì có Tào-Thực, Lưu-Trình, Thẩm-Ước, Tạ-Diêu, Vương-hi-Chi, Đào-Tiềm, Nguyễn-Tịch v. v.; về thời nhà Đường thì có Lý-Bạch, Đỗ-Phủ, Vương-Duy, Mạnh-hạo-Nhiên, Vương-Bột, Liễu-tôn-Nguyên v. v.; về thời nhà Tống thì có Tư-mã-ôn-Công, Dương-quý-Sơn, Vy-trọng-Tố, Thạch-man-Khanh v. v. Những nhà ấy toàn là những tay đại thủ bút, có văn-chương thơ từ truyền tụng đến giờ. Nếu cứ kể riêng văn-chương của từng nhà thì nói không sao xuể được, vậy đây bất cứ của nhà nào, hễ gặp được bài nào hay, câu nào thú thì trích ra mà giải nghĩa và bình phẩm thêm một đôi lời, để ghi lấy những nhời tao nhã của cổ-nhân.
Về thời nhà Hán, mới có ca phú mà chưa có thơ. Ca như bài « Đại-phong » của vua Cao-Tổ, bài « Thu-phong » của vua Võ-Đế; phú như mấy bài « Hiệu-liệp », « Tràng-dương » của Dương-Hùng, bài « Tam-đô » của Tả-thái-Sung, bài « Lưỡng-kinh » của Trương-Hành v. v. Các bài ấy đều có khí vị hùng hồn, mà đã hơi tỏ ra có ý phù hoa. Đến thời Tấn, Ngụy thì mới có thơ. Trong khoảng đó thì nổi danh thơ văn nhất là bọn Tào, Vương, Đào, Tạ. Nay xem bài thơ « Lưỡng ngưu tương đấu » và bài « Chử đậu » của Tào-tử-Kiến (tức là Tào-Thực), mỗi bẩy bước vịnh song một bài thơ, vừa nhanh lại vừa có ý nhị, thực là có tài mẫn tiệp vô cùng.
Hai bài ấy, một bài trên là Ngụy Văn-đế nhân có bức tranh treo chỗ ngồi chơi, trong bức tranh vẽ hai con châu trọi nhau ở dưới bức tường, một con sa xuống giếng mà chết. Văn-đế chỉ vào bức tranh ấy mà ra đầu đề, lại cấm không được dùng phạm đến chữ đầu bài. Một bài dưới để cho Tào-Thực tùy ý mà vịnh, không có đầu bài.