Trang:Viet Han van khao.pdf/180

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 168 —

Nghĩa là cướp ngọn giáo ở bến Chương-dương, bắt giặc ở cửa sông Hàm-tử, ấy là buổi chúng ta lập công đó. Vậy thì chúng ta nên gắng sức mà giữ lấy cơ nghiệp thái bình, để cho muôn thủa vẫn cứ nước non vui vẻ này. Câu ấy nhời vắn tắt mà ý nhị thì nhiều, có kém gì thơ Đường.

Vua Trần Thánh-tôn cũng có câu rằng:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Nghĩa là xã tắc hai phen phải mệt cả đến ngựa đá,[1] bởi vậy giang-sơn nghìn xưa mới được vững như lọ vàng. Ý vị câu ấy cũng đã bát ngát lắm.

Ông Phạm-ngũ-Lão cũng có một bài thuật-hoài rằng:

Hoành sáo giang sơn lịch kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ-hầu.

Nghĩa là cầm ngọn giáo tung hoành trong nước non đã trải mấy thu, ba quân thì mạnh mẽ như cọp như gấu, sức khỏe có thể nuốt được sao Ngưu. Tuy vậy mà làm giai nếu không giả cho sạch nợ công danh, thì xấu hổ với Gia-cát Vũ-hầu, không nên nghe người ta nói chuyện đến ông ấy. Nhời ấy rất khảng khái, vậy nên về sau làm nổi một tay danh tướng nhà Trần.

Thời đó lại có ông Mạc-đĩnh-Chi đỗ đến Trạng-nguyên, thực là một tay văn-chương đại tài. Văn-chương của tiên-sinh, không còn mấy bài truyền đến bây giờ; chỉ còn truyền lại có mấy câu đối ứng khẩu trong khi sang sứ Tầu mà thôi. Mấy câu ấy: một câu khi tiên-sinh mới đến cửa ải quan. Đến sai giờ, cửa đóng. Người Tầu ra rằng:


  1. Sử chép rằng: Hai lẩn quân nhà Nguyên phạm vào kinh thành, đến lúc rút đi vua ra thăm chốn tôn-lăng những ngựa đá ở đó, chân có rây bùn, tựa như có quỷ thần cưỡi ngựa chạy.