Trang:Viet Han van khao.pdf/23

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 11 —

hoặc cả bốn câu cùng không đối nhau cũng được. Song bốn câu không đối nhau cả thì phải nói cho quán một hơi đi mới được.

Thơ tràng-thiên thì kéo dài đến bao nhiêu câu cũng được, hoặc dùng luật bằng trắc hay là không cứ bằng trắc cũng được. Trong một bài đầu đuôi dùng nguyên một vần hoặc cứ bốn câu, tám câu lại đổi một vần cũng được.

Ngoại giả các lối trên này, lại còn lối thủ vĩ ngâm, lối liên châu, lối thuận nghịch độc, lối yết-hậu, lối cô nhạn nhập quần và lối cô nhạn xuất quần vân vân.

Thủ vĩ ngâm (ngâm đầu đuôi) là lối một câu đầu và một câu cuối giống nhau. Liên-châu (chuỗi hạt châu) là lối trong mấy bài thơ, cứ câu cuối cùng bài trước, lại đem làm câu đầu bài sau tựa như chuỗi hạt châu liền với nhau. Thuận nghịch độc (đọc xuôi đọc ngược) là lối trong một bài thơ đọc ngược đọc xuôi cũng thành câu cả. Yết-hậu (câm) là lối trong một bài thơ 4 câu thì 3 câu trên đủ chữ, còn câu cuối cùng chỉ có một chữ. Cô nhạn nhập quần (một con nhạn vào đàn) là lối trong một bài thơ, câu đầu riêng một vần, còn mấy câu dưới thì dùng chung một vần khác. Cô nhạn xuất quần (một con nhạn ra đàn) là lối trong một bài thơ, mấy câu trên đi chung một vần, còn câu cuối cùng lạc ra một vần khác.

Các lối trên này, thường dùng nhất là Đường-luật, vì có dùng luật thơ thì thơ mới nghiêm, cho nên dùng vào những việc kính cẩn nghiêm trang, như thơ ứng thí, thơ chúc tụng vua, hoặc mừng các người tôn trưởng, đều phải theo Đường-luật. Tứ-tuyệt, tràng-thiên, thủ-vĩ-ngâm, liên-châu, cũng hay thường dùng, song phần nhiều là ngâm vịnh chơi bời. Còn như lối thuận-nghịch-độc, lối yết-hậu và hai lối cô-nhạn xuất nhập thì ít người dùng đến, chỉ những người có tính hiếu kỳ đôi khi dùng đến mà thôi.

Nay kén lấy những bài của các bậc danh-thi nước ta hoặc tìm lấy ở trong các truyện mỗi thể một vài bài chép theo sau này: