Trang:Viet Han van khao.pdf/62

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 50 —

Đến như muốn làm theo điệu ca nhạc thì tất phải biết bài đàn mới làm được đúng các giọng lên xuống, mà hợp vào điệu cung thương. Nếu sai một chữ cũng không được, vì sai thì khi hát ngang giọng mà sai với cung đàn.

8.— DIỄN-KỊCH.— Diễn-kịch là một bài tuồng thuật lại những công việc, tính-tình, lời ăn tiếng nói của người trước, hoặc tả cái thói đời để ngụ ý khuyên-răn cho đời.

Trong lối tuồng của ta có nhiều giọng. Mới khởi nói mấy câu bao quát cả ý trong tấn tuồng gọi là câu giáo đầu nói chuyện kể lể việc gì gọi là câu nói, câu giáo đầu và câu nói bất cứ dài vắn, hễ hết ý thì thôi. Mỗi câu hoặc 4 chữ 5 chữ, hoặc 6, 7 chữ, mà thường phải đối nhau, nhưng cứ chữ cuối câu thứ ba, phải tiếp vần với chữ câu thứ nhì mà thường câu cuối cùng phải hạ vần trắc thì xuống mới mạnh. Tướng mới ra đọc một vài câu gọi là câu xướng, tiên phật, đạo sĩ mới ra đọc một vài câu gọi là câu bạch xướng và bạch thường dùng lối thơ. Nói dứt lời hát một vài câu gọi là câu vãn; câu vãn thường nói tiếp mấy tiếng cuối cùng câu trên, rồi xuống một hai câu lục bát. Đọc thơ gọi là ngâm; hát cho bổ ý câu nói hoặc để thi hành câu nói là loạn. Loạn, hoặc dùng lối thơ, hoặc dùng lối phú, hoặc hai câu thơ rồi xuống một vài câu hoặc 4, 5 chữ, hoặc câu lục bát cũng được. Gập lúc buồn bã mà đọc mấy câu bi ai sầu thảm gọi là câu than, gặp lúc khoan khoái mà đọc mấy câu thủng thỉnh ngâm nga gọi là câu khách, than thường dùng lối thơ, hay là lối lục bát; khách thì thường dùng lối phú mà hay đặt toàn câu chữ nho. Khi đánh nhau đọc một vài câu gọi là câu chiến trận, khi đi đường đọc một vài câu gọi là câu tẩu mã. Hai câu này thì dùng lối thơ hoặc lối phú cũng được. Nói rút lại thì trong lối tuồng tuy nhiều giọng, nhưng chẳng qua cũng dùng theo các lối thơ, lối phú, lối lục bát, lối ca ngâm, duy câu nói là có lối riêng mà thôi.