Sau hết ông lại nói đến văn-chương đời thượng-cổ, văn-chương đời trung-cổ và văn-chương cận thời, thay đổi thế nào khác nhau thế nào, đều là việc rất cần thiết mà người trong làng văn nên biết. Nói tóm lại, quyển Việt-Hán Văn-khảo này thật là người hướng-đạo và xe chỉ-nam của những người muốn nhập tịch làng văn, và nghề văn-chương của nước nhà, cũng ngày càng tiến-bộ. Quyển sách này không những là có công với người làm văn, mà lại có công với nền quốc-văn. Từ nay dở đi, áng quốc-văn nước Nam ngày càng rực rỡ tốt tươi, đủ là văn-chương hoa quốc, thỏa cái lòng ước-vọng của tác-giả khi cầm bút viết quyển sách này, và bõ cái công phu của tác-giả đã mất bao nhiêu ngày giờ để tìm kiếm thu góp những tài-liệu để viết quyển sách này, ký-giả khi viết bài này, cũng chứa chan những sự ước mong như thế.
Phó Bảng HOÀNG-TĂNG-BÍ
(Chủ bút Trung-Bắc Tân-Văn -- 1930)