Trang:Viet Han van khao.pdf/95

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 83 —

thế mà trong đời không truyền vậy. Kẻ xuẩn-lậu lại dùng rìu búa để gõ xem mà cầu lấy tiếng chuông, tự cho là thực...!

Bởi vậy ta ký bài này, than cho Lịch-Nguyên thì nói sơ-lược quá mà cười cho Lý-Bột là quê mùa vậy.

(Cổ văn)

Núi Bao-thiền hoặc gọi là núi Hoa-sơn. Đời nhà Đường có nhà sư tên là Tuệ-Bao mới đến làm nhà ở đó, mất cũng chôn tại đó, về sau nhân thế gọi là Bao-thiền. Nay gọi là nhà chùa Tuệ-Không, tức là nhà của Bao ở vậy.

Cách phía đông nhà ấy 5 dặm có động gọi là động Hoa-sơn, vì ở phía nam núi Hoa-sơn, cho nên đặt tên ấy. Cách động hơn 100 bước có cái bia đổ bên vệ đường, chữ đã mòn nát, chỉ có nhận được mấy chữ « Hoa-sơn », nay đổi chữ « hoa » đơn làm chữ « hoa » kép là lầm đó. Dưới chỗ bia đó là đất phẳng phiu rộng rãi, có suối chẩy ra, nhiều người đến chơi tại đó, tức là tiền động vậy.

Từ núi trở lên phía trên 5, 6 dặm có hang sâu thẳm, vào trong hang lạnh lắm. Hỏi bề sâu thì những người hay đi chơi cũng không biết đến đâu là cùng, đấy gọi là Hậu-động, ta cùng với bốn người, đốt đuốc đi vào, vào càng sâu thì đi càng khó, mà sự trông thấy càng lạ, có người nản muốn trở ra, nói rằng: nếu không ra thì hết đuốc, vì thế phải trở ra cả. Ta đến đấy, sánh với người hay chơi, mười phần chưa được một phần, song nhìn xem hai bên kẻ đến chơi mà ghi ở đó đã ít rồi, vì càng sâu bao nhiêu thì người đến lại càng ít vậy. Khi đó sức ta còn có thể đi được, lửa cũng còn sáng, lại theo người đi ra, ta hối vì theo người ra mà không được thỏa hết cuộc vui vậy.

Ta vì thế mà thổn thức thay! Người đời xưa xem trời đất, sông núi, cỏ cây, chim cá, sâu bọ, thường thường ý hội được là vì tìm kiếm nghĩ ngợi nhiều mà ở đâu cũng có vậy.