Ôi, chỗ phẳng phiu mà gần thì kẻ đến chơi nhiều, nơi hiểm trở mà xa thì người đến chơi ít. Mà những sự lạ lùng kỳ quái thì lại thường ở chỗ hiểm xa, người ta ít đến, cho nên phi có chí thì không đến được; có chí, không theo ai sinh nản, song không đủ sức cũng không đến được; có chí, có sức, không sinh nản, đến chỗ tối tăm mờ mịt, mà không có vật gì giúp cho mình cũng không đến được. Có sức đến được mà không đến thì ở người đáng chê mà ở ta thì nên hối; hết cái chí của ta mà không sao đến được, bấy giờ mới không hối gì, mà ai còn chê nữa, đó là điều của ta được thỏa vậy.
Ta ở chỗ bia đổ, lại thương cho sách đời xưa không còn người đời xưa truyền lại, thế thì những điều sai lầm, kể sao cho xiết, người học giả nên nghĩ kỹ mà giữ cho cẩn mới được.
Văn tựa
Tựa là một bài văn nói trùm trên đầu quyển sách, hoặc thuật nguyên-ủy việc gì, hoặc kể lai-lịch mà tặng, tiễn người nào. Tựa cũng có khi dùng lối tứ lục, song phần nhiều là dùng lối văn xuôi.
Bài tựa tập thơ « Mai-thánh-Du » của Âu-dương-Tu.
(Dịch chữ nho)
Ta nghe trong đời nói rằng: « nhà làm thơ ít người đạt mà nhiều người cùng ». Ôi có lẽ thế vậy? Đó bởi vì những thơ truyền ở đời, phần nhiều là lời của người cùng đời xưa vậy.
Phàm người học thức, có điều uẩn-súc ở trong bụng, mà không được thi thố ra đời, thi hay phóng túng ở cảnh sơn thủy; trông thấy những hình trạng cây cối mưa gió cùng là giống chim cá sâu bọ, thường hay tỉ mỉ dò xét đến sự quái lạ; mà trong bụng thì chứa những tình buồn bã lo sầu, vậy mới phát ra giọng oán hận để tả những giọng than vãn của người đàn bà góa cùng là người bày tôi bơ vơ, mà nói những tình khó nói của người ta. Bởi thế càng cùng thì thơ càng hay, đó không phải là thơ làm cho người phải cùng, vì có cùng rồi thơ mới hay vậy.