Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc, Quyen 2, 1928.pdf/52

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 45 —

phải lo việc nước và phải đánh dẹp họ Mạc ở đất Cao-bằng, cho nên không dòm ngó đến phía nam, mãi đến năm nhâm-tí (1672) Trịnh Tạc lại đem mấy vạn quân và rước vua Gia-tôn vào đất Bắc-bố chính để đánh họ Nguyễn, sai Trịnh-Căn làm thủy-quân Nguyên súy, Lê-Hiến làm bộ quân Thống-suất.

Chúa Hiền cũng sai em thứ tư là Hiệp làm Nguyên súy đem binh ra cùng Nguyễn-hữu Dật và Nguyễn-mỹ-Đức giữ các nơi hiểm-yếu để ngự địch, chúa Hiền đem đại binh đi tiếp ứng.

Quân họ Trịnh đến đánh lũy Trấn-Ninh 鎭 寧 rất hăng, đã hai ba phen sắp phá được lũy nhưng Nguyễn-hữu-Dật hết sức chống giữ, quân Trịnh đánh mãi không được, phải lùi về Bắc-bố-chính. Đến tháng chạp, trời mưa rét và lại nghe tin rằng Trịnh Căn đi đến Linh-giang phải bệnh nặng Trịnh Tạc bèn sai Lê Hiến 黎 憲 ở lại trấn-thủ Nghệ an, Lê-sĩ-Triết 黎 仕 澈 làm Đô-đốc đóng ở Hà-trung để giữ các nơi yếu lộ, lấy sông Linh giang 𤅷 江, tức là sông Gianh bây giờ mà phân giới hạn Nam Bắc, rồi rút quân về Thăng-long

Từ đó nam bắc thôi việc chiến-tranh, mãi đến khi Tây-sơn khởi binh, thì họ Trịnh mới nhân dịp vào đánh lấy đất Thuận-hóa.

Kể từ năm đinh-mão (1627) đời vua Thần tôn lần thứ nhất, đến năm nhâm-tí (1672) đời vua Gia-tôn vừa 45 năm, họ Trịnh, họ Nguyễn đánh nhau cả thẩy 7 lần. Trong bấy nhiêu lần, họ Nguyễn chỉ ra đánh họ Trịnh có một lần, đã lấy được 7 huyện ở phía nam sông Lam-giang, nhưng vì các tướng họ Nguyễn không đồng lòng với nhau, cho nên lại phải bỏ về giữ đất cũ.

Còn như thế lực binh lương thì họ Trịnh mạnh hơn họ Nguyễn, nhưng người Bắc phải đi đánh xa xôi, vận tải khó khăn, mà người Nam thì đánh ở đất nhà mình, có đồn-lũy chắc chắn, tướng sĩ hết lòng, cho nên thành ra hai bên đối địch chứ không làm gì được nhau, chỉ khổ cho những dân sự, phải sưu dịch vất vả, và bị tàn phá thiệt hại rất nhiều.