Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc, Quyen 2, 1928.pdf/59

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 52 —

Lập phép ấy là để cho dân khỏi phải làm sổ, mà quan cũng khỏi phải tra xét, nhưng phải một điều bất tiện là về sau số đinh hơn kém bao nhiêu, quan không biết được nữa. Đến năm quí-tị (1713) đời vua Dụ-tôn sử chép rằng số dân nội-tịch phải đóng thuế cho nhà vua cả thảy chỉ được 206.315 suất mà thôi.

Còn như thuế điền thì năm kỷ-hợi (1719) đời vua Dụ-tông, ông Trịnh-Cương 鄭 棡 sai các quan phủ huyện và quan Thừa-chính, Hiến-sát làm việc đạc-điền để mà chia tiền thuế cho các dân xã cho đều. Lệ bấy giờ cứ đo công điền công thổ mà đánh thuế, gọi là « thuế 税 », chia ra làm ba hạng: hạng nhất mỗi mẫu đồng niên đóng 1 quan, hạng nhì 8 tiền, hạng ba 6 tiền.

Những sưu-dịch như là việc tế tự trong đền vua phủ chúa, việc sửa sang trường-thi, việc làm cầu cống, đắp đường-sá, giữ đê điều v.v., thì cứ tùy nghi mà bổ cho các suất đinh để lấy tiền mà cung ứng cho đủ.

Ấy các thứ thuế trước đánh là vậy. Đến năm quí-mão (1723) quan Tham-tụng là ông Nguyễn Công-Hãn 阮 公 沆 theo phép 租 phép dung 庸 và phép điệu 調 của nhà Đường mà châm chước, sửa sang lại, như sau này:

Phép tô, tức là phép đánh thuế điền thổ, cứ mỗi mẫu công điền là phải nạp 8 tiền thuế, mà ruộng nào cấy hai mùa thì chia ba, quan lấy một phần thóc. Những đất bãi của quan, cứ mỗi mẫu nạp thuế 1 quan 2 tiền; chỗ nào giồng dâu thì nộp một nửa bằng tơ, chỗ nào không giồng dâu thì nộp cả bằng tiền.

Các ruộng tư điền ngày trước không đánh thuế, đến bấy giờ mới đánh: ruộng hai mùa mỗi mẫu 3 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu 2 tiền.

Phép dung, tức là phép đánh thuế thân, cứ mỗi suất đinh là đồng niên đóng 1 quan 2 tiền. Những người sinh-đồ, lão-hạng và hoàng-đinh[1] thì đóng một nửa.

  1. Lão-hạng là những người từ 50 tuổi đến 60 tuổi. Hoàng-đinh là người mới có 17 đến 19 tuổi.