Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc, Quyen 2, 1928.pdf/60

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 53 —

Phép điệu, tức là phép bắt dân đóng tiền sưu-dịch, cứ mỗi một suất đinh, một năm hai mùa, mùa hạ phải đóng 6 tiền, mùa đông phải đóng 6 tiền. Quan lấy tiền ấy mà làm các việc, không phiền đến dân nữa.

7. Các thứ thuế. Đời bấy giờ đánh thuế các thứ thổ sản thuế mỏ, thuế đò, thuế chợ, v.v., nhưng mà những thuế ấy, khi đánh khi thôi, không có nhất định.

1. Thuế tuần-ti. — Các thuyền bè chở hàng hóa đi buôn bán ở trong sông cũng phải chịu thuế. Trong nước lập ra cả thảy 23 sở tuần-ti để thu thuế: như tre gỗ thì cứ 10 phần đánh thuế một phần; những đồ tạp-hóa thì 40 phần đánh thuế một phần.

2. Thuế muối. — Năm tân-sửu (1721) ông Trịnh-Cương đặt quan Giám đương 監 當 để đánh thuế muối, cứ 10 phần, quan lấy 2 phần. Những người buôn muối phải lĩnh thẻ của quan Giám-đương, thì mới được mua muối, mà trước phải mua của quan đã, rồi sau mới được mua của những người làm muối. Vì đánh thuế như thế cho nên giá muối cao đến một tiền một đấu muối, đân sự ăn uống khổ sở. Bởi vậy đến năm nhâm-tí (1732) ông Trịnh-Giang bỏ thuế muối không đánh nữa.

Đến năm bính-thìn (1746) Trịnh-Doanh lại lập lại phép đánh thuế muối, cứ chia ra 50 mẫu ruộng muối làm một bếp, mỗi bếp phải nộp 40 hộc muối thuế, mỗi một hộc đánh giá là 180 đồng tiền, tức là ba tiền.

3. Thuế thổ-sản. — Năm giáp-thìn (1724) ông Trịnh-Cương định lệ đánh thuế các thổ sản, như là vàng, bạc, đồng, kẽm, sơn, diêm tiêu, than-gỗ, than đá, tre, gỗ, tơ lụa, quế, cá, mắm, các đồ dụng-vật như là rượu, mật, dầu, và các đồ thập-vật như là giấy, chiếu, vải, v.v.

8. Sổ chi-thu. — Về thời ông Trịnh-Giang làm chúa có lắm giặc dã phải chi tiêu nhiều việc, cho nên năm kỷ-mùi (1731) các quan xin đặt quan để cùng với Hộ-phiên mà làm sổ biên rõ đồng niên thu vào được bao nhiêu và phát ra mất bao nhiêu, để liệu sự chi dụng cho vừa.