9. Việc khai mỏ. — Nước ta từ đời bấy giờ ở Tuyên-quang thì có mỏ đồng ở Tụ-long, mỏ bạc ở Nam-xương và ở Long-sinh. Ở Hưng-hóa thì có mỏ đồng ở Trinh-lan và Ngọc-uyển. Ở Thái-nguyên thì có mỏ đồng ở Sáng-mộc, Yên-hận, Liêm-tuyền, Tống-sinh, Vũ-nông; mỏ vàng ở Kim-mã, Tam-lộng; mỏ kẽm ở Cồn-minh. Ở Lạng-sơn thì có mỏ đồng ở Hoài-viễn.
Những mỏ ấy đều là người Tàu sang khai cả, bao nhiêu quyền lợi về tay người Tàu hết, của 10 phần nhà nước không được một. Mà những phu Tàu sang làm mỏ thường hay quấy nhiễu dân sự. Tuy rằng năm đinh-dậu (1717) ông Trịnh-Cương đã định lệ rằng những người Tàu sang khai mỏ: Chỗ đông lắm chỉ được đến 300 người, chỗ đông vừa 200 người, chỗ ít 100 người mà thôi. Thế mà về sau có nơi phu khách đông đến hàng vạn người, rồi sinh sự đánh nhau, thường phải dùng đến binh lính đi đánh-dẹp mãi mới xong.
10. Việc đúc tiền. — Nhà Hậu-Lê trung hưng lên rồi vẫn tiêu tiền Hồng-đức, và ở trấn nào cũng có sở đúc tiền; nhưng vì có lắm sự nhũng lạm cho nên đến năm quí-dậu (1753) Trịnh-Doanh mới bỏ sở đúc tiền ở các trấn, mà chỉ để hai sở gần đất Kinh-sư mà thôi. Đến năm bính-thân (1776) đời Cảnh-hưng vua Hiến-tôn, khi họ Trịnh đã lấy được đất Thuận-hóa rồi, lại mở lò đúc tiền ở Phú-xuân, đúc ra 3 vạn quan tiền Cảnh-hưng nữa.
Đời bấy giờ cũng có đúc ra bạc lạng để tiêu dùng. Mỗi một lạng là 10 đồng, mỗi đồng giá hai tiền. Bạc ấy chặt ra mà tiêu cũng được.
11. Sự đong lường. — Sự đong lường thì trước vẫn theo lối cũ, cứ 6 hạp 合 là một thăng 升, nhưng từ năm giáp-thìn (1664) ông Phạm-công-Trứ định lại, lấy một cái ống gọi là hoàng-chung-quán 黄 鐘 管 làm chừng. Cái ống ấy đựng được 1.200 hộc thóc, gọi là một thược 龠, rồi cứ 10 thược làm một hạp, 10 hạp làm một thăng, 10 thăng làm một đấu, 10 đấu làm một hộc.