12. Việc in sách. — Người nước ta học hán tự đã lâu mà những sách học như là Tứ-thư Ngũ-kinh toàn thị dùng sách in của Tầu cả. Năm giáp-dần (1734) đời vua Thuận-tôn ông Trịnh-Giang mới bắt khắc bàn in, in các sách phát ra mọi nơi và cấm không cho mua sách in bên Tàu nữa. Ấy cũng là một sự lợi cho sự tài-chính của nước ta.
13. Việc học-hành thi cử. — Sự học-hành về đời Hậu Lê thì đại khái cũng giống như đời Tiền-Lê, trong nước ở đâu cũng lấy nho học làm trọng. Ở Quốc-tử-giám thì đặt quan Tế-tửu và quan Tư-nghiệp để làm giảng-quan, mỗi tháng một lần tiểu tập, ba tháng một lần đại tập.
Còn việc thi cử là việc nhà nước chọn lấy nhân tài để dùng làm việc nước, thì đời nào cũng có. Từ khi nhà Mạc và nhà Lê tranh nhau ngôi vua, Bắc-triều họ Mạc vẫn mở khoa thi ở Thăng-long; Nam-triều họ Lê vì bận việc binh cho nên đến mãi năm canh-thìn (1580) mới mở khoa thi Hội ở Tây-đô; từ đó về sau cứ ba năm một kỳ thi Hội, nhưng mà cách thức thi cử còn sơ lược, đến năm giáp-thìn (1664) đời vua Huyền-tôn, ông Trịnh Tạc mới định lại qui thức thi Hội.
Còn như thi Hương thì đến năm mậu-ngọ (1678) mới định các điều lệ rõ ràng. Từ đó cứ ba năm một kỳ thi Hương: Thanh-hóa, Nghệ-an, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải dương, Thái nguyên, Hưng-hóa, Tuyên-quang, Lạng-sơn, Yên-quảng đều có trường thi cả. Nhưng mà sự thi Hương bấy giờ hồ đồ lắm, không nghiêm như đời Hồng-đức, như là về đời vua Dụ-tôn, niên-hiệu Bảo-thái thì đặt lệ ai đi thi phải nộp tiền minh-kinh 明 經 để lấy tiền làm nhà trường và khoản đốn quan-trường.
Đến năm canh-ngọ (1750) đời Cảnh-hưng nhà nước thiếu tiền, lại đặt ra lệ thu tiền thông-kinh 通 經, hễ ai nộp ba quan thì được đi thi, mà không phải khảo hạch. Thành ra lúc bấy giờ những người đi làm ruộng, đi buôn, đi bán thịt, ai cũng được nộp quyển vào thi, đến nỗi lúc vào thi, người tranh nhau vào trường xéo đạp lẫn nhau, có người