Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc, Quyen 2, 1928.pdf/67

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 60 —

cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có.

Các tướng sĩ ai cũng sợ, duy chỉ có ông Phạm Đình-Trọng là đánh được nó mà thôi, cho nên nó đào mả mẹ ông ấy đổ xuống sông. Từ đó ông Phạm-Đình-Trọng thề không cùng sống ở đời với Nguyễn-Hữu-Cầu. Cũng vì lẽ ấy cho nên năm bính-dần (1746) Hữu-Cầu cho người đem vàng về đút lót cho Đỗ Thế-Giai 杜 世 佳 và người nội-giám là Nguyễn Phương-Đĩnh 阮 芳 挺 để xin về hàng. Trịnh-Doanh thuận cho và lại phong cho làm Hướng-nghĩa-hầu 向 義 侯, lại sai quan Thiêm-tri 僉 知 là Nguyễn Phi-Sảng 阮 丕 爽 đem tờ dụ ra bảo ông Phạm Đình-Trọng đừng đánh Nguyễn Hữu-Cầu nữa.

Phạm Đình-Trọng khăng khăng một mực không chịu, bảo Nguyễn Phi-Sảng rằng: « Những người làm tướng ở ngoài dẫu có mệnh vua cũng có điều không nên chịu. Ông vâng mệnh vua đi gọi giặc về hàng, thì ông cứ đi, tôi vâng mệnh vua đi đánh giặc, thì tôi cứ đánh. » Nói xong, cất quân đi ngay.

Lúc ấy ông Phạm Đình-Trọng có mộ người ở huyện Thanh-hòa, huyện Tú-kỳ, huyện Vĩnh-lại và huyện Thượng-hồng, đặt làm 4 cơ, giao cho hai người thủ-hạ cai-quản. Ở phủ-liêu bọn Đỗ Thế-Giai nhân lấy điều ấy mà nói dèm với Trịnh-Doanh. Nhưng Trịnh-Doanh vốn biết ông Phạm Đình-Trọng là người trung thành không nói gì đến việc ấy, lại làm một bài thơ đưa ra cho ông ấy để ông ấy yên lòng.

Nguyễn hữu Cầu tuy đã xin về hàng, nhưng vẫn cứ cướp phá các nơi, sau lại về phá ở đất Sơn-nam. Một hôm ông Phạm Đình-Trọng đánh đuổi nó ở Cẩm-giàng, nó bảo với thủ-hạ rằng: ta vừa mới thua có tin về Kinh, tất nhiên không ai phòng bị, nay ta lẻn về đánh có lẽ được. Nói đoạn, ngay đêm hôm ấy kéo quân về bến Bồ-đề. Đến nơi thì trời vừa sáng; có tin báo, Trịnh-Doanh tự đem quân ra giữ ở bến Nam-tân. Phạm Đình-Trọng biết tin ấy lập tức đem quân về đánh mặt sau, Hữu-Cầu lại thua bỏ chạy.