Từ khi thua trận Bồ-đề rồi, Hữu Cầu về cùng với Hoàng Công-Chất cướp ở huyện Thần-khê và Thanh-quan. Phạm Đình-Trọng và Hoàng Ngũ-Phúc lại đem binh xuống đánh đuổi.
Hoàng Công-Chất chạy vào Thanh-hóa, Hữu-Cầu chạy vào Nghệ-an hợp đảng với tên Diên 延 ở Hương-lãm (thuộc huyện Nam-đường), Phạm Đình-Trọng đem quân vào đánh phá trại giặc, rồi đuổi Hữu-Cầu ra đến làng Hoàng-mai bắt được, đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh. Bấy giờ là năm tân-vị (1751) đời Cảnh-hưng thứ 12.
4. Nguyễn Danh-Phương. — Năm canh-thân (1740) tên Tế và tên Bồng làm loạn ở đất Sơn-tây, quan Chinh-tây đại-tướng-quân là Võ Tá-Lý 武 佐 理 đánh bắt được cả hai đứa ở huyện An-lạc (thuộc phủ Vĩnh-tường). Bấy giờ thủ-hạ tên Tế là Nguyễn Danh-Phương, tục gọi là quận Hẻo đem dư-đảng về giữ núi Tam-đảo. Một mặt thì mộ quân trữ lương và một mặt thì cho người về nói dối xin hàng.
Lúc bấy giờ tên Cầu tên Chất đang làm loạn ở phía đông-nam, cho nên Trịnh-Doanh cũng tạm cho hàng.
Năm giáp-tí (1744) tên Phương đem hơn một vạn quân về giữ đất Việt-trì, sang phá cướp ở bên huyện Bạch-hạc. Bấy giờ quan Đốc-xuất Sơn-tây là Văn Đình-Ức 文 廷 億 đem binh đến vây đánh, Danh-Phương chạy sang giữ làng Thanh-linh (huyện Bình-xuyên đất Thái-nguyên). Từ đó Danh-Phương lập đại đồn ở núi Ngọc-bội (giáp huyện Bình-xuyên và huyện Tam-dương), trung-đồn ở đất Hương-canh, ngoại-đồn ở đất Ức-kỳ, rồi tự xưng là Thuận-thiên khải-vận đại-nhân, làm cung điện, đặt quan thuộc, thu các thứ thuế ở đất Tuyên-quang, thanh thế lừng lẫy trong non 10 năm trời, thành ra một nước riêng trong nước Nam vậy.
Năm canh-ngọ (1750) Trịnh-Doanh tự đem đại quân đi đường Thái-nguyên đến đánh phá được đồn Ức-kỳ. Khi quân tiến lên đến đồn Hương-canh giặc bắn súng, đạn ra như mưa, quan quân không tiến lên được. Trịnh-Doanh mới lấy gươm cho ông Nguyễn-Phan 阮 潘 mà bảo rằng: